Lao cột sống và những điều cần biết

Bệnh lao là một trong những bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây ra, cần được chẩn đoán sớm và điều trị triệt để tại bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi. Lao cột sống là một trong những thể bệnh lao ngoài phổi có thể gặp khó chẩn đoán, có thể để lại di chứng lâu dài nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng chuyên khoa. Đây từng là một trong những chứng bệnh khó, nhưng với sự phát triển của khoa học y học, bệnh lao hoàn toàn có phòng và điều trị được.

Video Dấu hiệu lao cột sống không thể bỏ qua

Lao cột sống là tình trạng viêm đĩa đệm cột sống do lao. Bệnh chiếm tỉ lệ 65% trong số lao xương khớp nói chung, chiếm 20 % tổng số lao ngoài phổi. 

Nguyên nhân gây bệnh lao cột sống

Vi khuẩn lao. Nguồn: Havard Medical UniversityVi khuẩn lao. Nguồn: Havard Medical University

Căn nguyên gây bệnh là vi khuẩn lao, có tên gọi khoa học là Mycobacteria tuberculosis, còn được gọi là trực khuẩn BK (Bacille de Koch) theo tên của nhà khoa học tìm ra bệnh. Vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp hoặc hệ tiêu hóa, đi vào máu hoặc hệ bạch huyết tới khu trú ở một vị trí trong hệ cơ xương khớp, trong đó thường gây tổn thương ở cột sống. Lao cột sống thường dễ bị nhầm lẫn với những bệnh khác của cột sống: Thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, ung thư xương,… Bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ để tránh những di chứng và thương tật nặng nề của hệ vận động.

Biểu hiện của bệnh lao cột sống

Tổn thương thân đốt sống, đĩa đệm, dây thần kinh cột sống do lao. Nguồn: RxharunTổn thương thân đốt sống, đĩa đệm, dây thần kinh cột sống do lao. Nguồn: Rxharun

Người bệnh bị lao cột sống sẽ có những biểu hiện của nhiễm trùng: Sốt về chiều, gầy sút cân, mệt mỏi, chán ăn. Ngoài ra, người bệnh sẽ kèm theo dấu hiệu tại vùng tổn thương như: đau lưng, hạn chế vận động, đau tại chỗ tương ứng với đốt sống bị tổn thương (giai đoạn sớm). Trong giai đoạn muộn sẽ có biến dạng cột sống, gù vẹo hoặc có dấu hiệu chèn ép tuỷ gây liệt.

Một số trường hợp có thể thấy ổ áp xe cạnh cột sống, có thể có lỗ rõ chảy dịch cạnh cột sống. Áp xe gọi là áp xe lạnh vì chúng không có tính chất sưng, nóng, đỏ vùng mô xung quanh như nhiễm trùng do vi khuẩn.  Dịch rò này có thể chứa các vi khuẩn lao, là nguồn gây bệnh.

Chụp Xquang, CT, MRI cột sống, khớp thấy hẹp khe đốt, xẹp đốt sống hình chêm, có thể thấy mảnh xương chết và hình áp xe lạnh cạnh cột sống, hẹp khe khớp. 

Chẩn đoán xác định

Bác sĩ sẽ dựa vào lâm sàng và các đặc điểm tổn thương trên Xquang, CT, MRI cột sống, khớp. 

Nếu có áp xe lạnh, rò mủ, cần xét nghiệm mủ áp xe tìm AFB cho tỷ lệ dương tính cao. Dịch mủ khớp có thể xét nghiệm Xpert để chẩn đoán xác định. Ngoài ra bác sĩ có thể cũng chỉ định sinh thiết khối tổn thương để chẩn đoán mô bệnh học. Bác sĩ giải phẫu bệnh dùng kim chọc hút cắt một mảnh mô kích thước nhỏ để làm xét nghiệm mô bệnh học.

Điều trị bệnh lao cột sống

 Điều trị bệnh lao cột sống theo phác đồ hướng dẫn của Bộ y tế ban hành quyết định 3126-QĐ/BYT năm 2018. Điều trị bệnh lao cần điều trị chuyên khoa lao và bệnh phổi. Quá trình điều trị sẽ gồm hai giai đoạn: Điều trị nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa, và điều trị ngoại trú tại nhà.  Còn tùy vào kết quả điều trị, tùy vào việc vi khuẩn lao đã âm tính trong đờm hay chưa, tùy thuộc vào khoảng cách địa lý với cơ sở khám chữa bệnh mà thời gian điều trị nội trú tại bệnh viện có thể khác nhau.

Có 4 nguyên tắc cơ bản điều trị bệnh lao nói chung và lao cột sống nói riêng.

  • Phối hợp các thuốc chống lao - Mỗi loại thuốc chống lao có tác dụng khác nhau trên vi khuẩn lao (diệt khuẩn, kìm khuẩn, môi trường vi khuẩn), do vậy phải phối hợp các thuốc chống lao. Thường phải phối hợp từ 2   đến 5 thuốc khác nhau tùy vào giai đoạn, độ nhạy với thuốc và tính chất kháng thuốc của vi khuẩn
  • Phải dùng thuốc đúng liều: Các thuốc chống lao tác dụng hiệp đồng, mỗi thuốc có một nồng độ tác dụng nhất định. Nếu dùng liều thấp sẽ không hiệu quả và dễ tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc, nếu dùng liều cao dễ gây tai biến. Đối với lao trẻ em cần được điều chỉnh liều thuốc hàng tháng theo cân nặng. 
  • Phải dùng thuốc đều đặn - Các thuốc chống lao phải được uống cùng một lần vào thời gian nhất định trong ngày và xa bữa ăn để đạt hấp thu thuốc tối đa. 
  • Phải dùng thuốc đủ thời gian và theo 2 giai đoạn tấn công và duy trì - Giai đoạn tấn công kéo dài 2, 3 tháng nhằm tiêu diệt nhanh số lượng lớn vi khuẩn có trong các vùng tổn thương để ngăn chặn các vi khuẩn lao đột biến kháng thuốc. Giai đoạn duy trì kéo dài 4 đến 6 tháng nhằm tiêu diệt triệt để các vi khuẩn lao trong vùng tổn thương để tránh tái phát.

Đối với bệnh lao cột sống, ngoài việc điều trị nội khoa theo phác đồ, người bệnh có thể phải kết hợp với chế độ vận động hợp lý, đeo máng, bột cố định khi cần, tập phục hồi chức năng nếu có di chứng dày dính khớp, liệt vận động, teo cơ.

Ngoài ra, người bệnh cần có chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng khoa học. Một số bệnh nhân lao có thể cần được hỗ trợ về mặt tâm lý.

Phòng bệnh bệnh lao cột sống

Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm, có thể lây lan từ người sang người qua đường hô hấp, tiêu hóa, da niêm mạc. Việc phòng bệnh là hoàn toàn cần thiết. Cần phối hợp với nhiều biện pháp.

Đối với người mắc bệnh lao: Cần điều trị triệt để trong khu điều trị riêng, tuân thủ nghiêm ngặt điều trị, không bỏ thuốc, tránh tiến triển lao kháng thuốc, đặc biệt trong trường hợp lao phổi có đờm còn có vi khuẩn (AFB dương tính). Người lao phổi cần đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc đông người, không khạc nhổ bừa bãi. Bệnh nhân điều trị tại nhà cần giữ nhà cửa thông thoáng, lưu thông khí tự nhiên, nhiều ánh nắng. Thực hành vệ sinh, rửa tay thường xuyên, phơi chăn màn và đồ dùng dưới nắng thường xuyên.

Người lao cột sống tỉ lệ lây nhiễm cho người khác sẽ thấp hơn so với lao phổi có AFB dương tính trong đờm.

Đối với cộng đồng

  • Tiến hành tiêm chủng BCG phòng lao cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi đủ điều kiện. Tiêm chủng BCG có hiệu lực bảo vệ đến 80%.
  • Hạn chế tiếp xúc với nguồn lây bệnh lao
  • Giữ gìn vệ sinh môi trường, không khạc nhổ bừa bãi.

Lời kết

Bệnh lao là bệnh lành tính do vi khuẩn lao gây ra. Bệnh lao hoàn toàn có thể chữa khỏi dứt điểm. Người bệnh cần kiên trì, tin tưởng, hợp tác với nhân viên y tế để điều trị đến khi khỏi bệnh. 

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!