Diamicron (Gliclazide) - Điều trị bệnh đái tháo đường - Cách dùng

Diamicron là một trong những loại thuốc dùng đường uống điều trị bệnh đái tháo đường (tiểu đường) khá quen thuộc hiện nay. Vậy thuốc này được dùng như thế nào? Hãy cùng tham khảo thông tin chi tiết trong bài viết sau.

Công dụng của Diamicron

Diamicron là thuốc được bác sĩ kê đơn điều trị bệnh đái tháo đường type 2 (không phụ thuộc Insulin) khi chế độ ăn kiêng, luyện tập và giảm cân không giúp kiểm soát được hoàn toàn lượng đường trong máu. 

Cơ chế hoạt động 

Diamicron có tác dụng giảm lượng đường trong máu. Nguồn ảnh: fibradiet.comDiamicron có tác dụng giảm lượng đường trong máu. Nguồn ảnh: fibradiet.comDiamicron có chứa thành phần hoạt chất Gliclazide (thuộc nhóm sulfonylurea).  

Gliclazide được sử dụng để giúp kiểm soát lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 (đái tháo đường không phụ thuộc insulin). 

Những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 bị thiếu hụt một loại hormone gọi là Insulin - giữ vai trò kiểm soát lượng đường máu, được sản xuất tại tuyến tụy. Ngoài ra, Insulin giúp cho các tế bào loại bỏ lượng đường dư thừa ra khỏi máu. 

Ở bệnh đái tháo đường type 2, Insulin được sản xuất không đủ để đáp ứng với sự gia tăng của lượng đường trong máu, chẳng hạn như sau ăn. Các tế bào của cơ thể cũng trở nên kháng Insulin, có nghĩa là lượng đường trong máu có thể tăng quá mức. 

Gliclazide hoạt động chủ yếu bằng cách kích thích các tế bào beta của tuyến tụy sản xuất Insulin, giúp giảm lượng đường trong máu. 

Gliclazide cải thiện quá trình tổng hợp, phục hồi đỉnh tiết sớm Insulin, khi có sự hiện diện của glucose. Tăng cường sản xuất Insulin dẫn đến giảm lượng đường máu và xảy ra tự nhiên cả ở những người không mắc bệnh đái tháo đường.

Gliclazide cũng có tác dụng trong mạch máu, giúp ngăn ngừa kết tập tiểu cầu và làm phá vỡ các cục máu đông hình thành trong lòng mạch. Do đó, có thể giúp phòng ngừa các biến chứng lâu dài của bệnh đái tháo đường. 

Cách sử dụng Diamicron

Liều lượng và tần suất dùng thuốc phụ thuộc vào mức độ kiểm soát lượng đường trong máu.  

Dùng Diamicron theo đúng chỉ định của bác sĩ. Đọc kỹ và tuân thủ theo tất cả hướng dẫn sử dụng của thuốc. 

Uống thuốc với nhiều nước trước khi ăn. Nếu bác sĩ yêu cầu dùng thuốc 1 lần/ngày, hãy uống thuốc trước bữa ăn sáng. Nếu phải dùng thuốc 2 lần/ngày, hãy uống thuốc trước bữa ăn sáng và tối. 

Điều quan trọng là phải dùng thuốc một cách đều đặn mỗi ngày. 

Nên làm gì nếu quên dùng thuốc?

Dùng thuốc ngay khi nhớ ra càng sớm càng tốt. Bỏ qua liều đã quên nếu gần đến thời gian dùng liều tiếp theo.  

Chú ý: Không sử dụng 2 liều cùng một lúc. 

Thận trọng khi dùng thuốc

Tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ về chế độ ăn uống và luyện tập trong thời gian điều trị Diamicron. Nguồn ảnh: welcomecure.comTuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ về chế độ ăn uống và luyện tập trong thời gian điều trị Diamicron. Nguồn ảnh: welcomecure.com

Diamicron chỉ giúp kiểm soát lượng đường máu và không được sử dụng để thay thế cho chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên. 

Bác sĩ có thể kiểm tra lượng đường máu bất cứ lúc nào trong thời gian dùng thuốc để theo dõi tiến trình điều trị và chỉnh liều lượng tối ưu. 

Diamicron có thể gây ra tác dụng phụ là hạ đường huyết đột ngột sau tập thể dục, ăn uống thất thường đặc biệt là chế độ ít carbohydrate, bỏ bữa hoàn toàn hoặc uống nhiều rượu. Vì vậy, điều quan trọng là phải tuân thủ theo bất kỳ hướng dẫn nào về chế độ ăn uống hoặc tập luyện mà bác sĩ khuyến cáo.  

Các triệu chứng của hạ đường huyết có thể bao gồm vã mồ hôi, ớn lạnh, da nhợt nhạt, run rẩy, cảm giác lo lắng, mệt mỏi hoặc suy nhược bất thường, lú lẫn, khó tập trung, đói quá mức, thay đổi thị lực tạm thời, đau đầu hoặc buồn nôn

Hãy trao đổi với bác sĩ để biết rõ hơn về các triệu chứng và cách xử trí khi bị hạ đường huyết. 

Những người đang sử dụng thuốc uống điều trị đái tháo đường chỉ nên uống rượu với lượng vừa phải. Bởi vì, rượu có thể che lấp các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ hạ đường huyết và làm cho các triệu chứng xuất hiện muộn hơn trong khi lượng đường máu hạ thấp, thậm chí vài giờ sau khi uống. 

Nếu bị nhiễm trùng, mắc bệnh hoặc phải phẫu thuật khi dùng Diamicron, nên thông báo cho bác sĩ biết vì khi cơ thể bị căng thẳng, thuốc có thể trở nên kém hiệu quả hơn trong việc kiểm soát lượng đường máu. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể thay thế điều trị tạm thời bằng Insulin.  

Tham khảo ý kiến bác sĩ về cách điều trị bệnh đái tháo đường nếu phải thực hiện phẫu thuật gây mê toàn thân hoặc đang mang thai. Thông thường, trong các trường hợp này, lượng đường trong máu thường được kiểm soát bởi Insulin. 

Diamicron có thể gây ra các vấn đề về gan, vì vậy nên thông báo cho bác sĩ biết nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào sau đây: Buồn nôn không rõ nguyên nhân, nôn, đau bụng, mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu sẫm màu, vàng da hoặc củng mạc mắt. 

Lưu ý, sử dụng Diamicron một cách thận trọng trong một số trường hợp sau: 

  • Người cao tuổi.
  • Suy giảm chức năng thận.
  • Suy giảm chức năng gan.
  • Những người bị thiếu enzym glucose-6-phosphat dehydrogenase trong máu (thiếu men G6PD).
  • Giảm hoạt động chức năng tuyến giáp (suy giáp).
  • Không sản xuất đủ hormon tuyến yên (suy tuyến yên).
  • Không sản xuất đủ hormone steroid tự nhiên của tuyến thượng thận (suy tuyến thượng thận). 

Không được sử dụng Diamicron cho: 

  • Trẻ em dưới 12 tuổi.
  • Những người bị dị ứng với các loại thuốc sulphonylurea khác như Glibenclamide, Tolbutamide.
  • Những người bị dị ứng với các loại thuốc thuộc nhóm Sulphonamide, ví dụ như thuốc kháng sinh Sulfamethoxazole.
  • Bệnh đái tháo đường type 1.
  • Nhiễm toan ceton do đái tháo đường 
  • Hôn mê do đái tháo đường hoặc tiền hôn mê (do nhiễm toan ceton trong bệnh đái tháo đường nặng và điều trị không tốt).
  • Người bị suy giảm chức năng thận nghiêm trọng.
  • Người bị suy giảm chức năng gan nghiêm trọng.
  • Những người bị rối loạn máu di truyền hiếm gặp được gọi là rối loạn chuyển hóa porphyrin.
  • Phụ nữ mang thai  cho con bú

Viên nén Diamicron chứa lactose, do đó những người mắc rối loạn di truyền hiếm gặp như không dung nạp galactose, thiếu men Lapp lactase hoặc kém hấp thu glucose-galactose không nên dùng Diamicron. 

Không nên sử dụng Diamicron nếu bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Hãy thông báo cho bác sĩ biết nếu bạn có tiền sử dị ứng, trước khi được kê đơn. 

Nếu xuất hiện dấu hiệu của phản ứng dị ứng, hãy ngừng sử dụng thuốc và liên hệ cho bác sĩ ngay. 

Phụ nữ mang thai và cho con bú 

Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú không được sử dụng Diamicron. Nguồn ảnh: clubmedical.icuPhụ nữ mang thai hoặc cho con bú không được sử dụng Diamicron. Nguồn ảnh: clubmedical.icuMột số loại thuốc không nên sử dụng trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Tuy nhiên, các loại thuốc khác có thể được sử dụng an toàn trong thời kỳ này và mang lại lợi ích cho mẹ nhiều hơn rủi ro đối với thai nhi.  

Luôn thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc dự định có thai trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. 

Không nên sử dụng Diamicron trong thời kỳ mang thai. Bệnh đái tháo đường thường được kiểm soát ổn định hơn bằng Insulin trong thai kỳ.  

Chưa rõ về việc Diamicron có đi vào sữa mẹ hay không. Không nên dùng thuốc khi đang cho con bú vì có thể gây giảm lượng đường máu ở trẻ.  

Tác dụng phụ của Diamicron

Phần lớn nguyên nhân gây hạ đường huyết là do các thuốc điều trị đái tháo đường.   Nguồn ảnh: Healthline

Phần lớn nguyên nhân gây hạ đường huyết là do các thuốc điều trị đái tháo đường. 

Nguồn ảnh: Healthline

Các tác dụng phụ có thể ảnh hưởng đến từng người theo những cách khác nhau.  

Dưới đây là một số tác dụng phụ của Diamicron, tuy nhiên không phải ai cũng mắc phải.  

  • Rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, khó tiêu, buồn nôn, nôn hoặc đau bụng.
  • Rối loạn thị giác tạm thời khi bắt đầu điều trị.
  • Hạ đường huyết.
  • Các phản ứng trên da như phát ban, ngứa hoặc nổi mề đay, nhưng hiếm khi tiến triển nặng.
  • Rối loạn chức năng gan, viêm gan 
  • Vàng da và mắt. 
  • Rối loạn các tế bào máu. Rất ít trường hợp xảy ra, tuy nhiên hãy thông báo cho bác sĩ biết nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây: Bầm tím hoặc chảy máu không rõ nguyên nhân, chấm xuất huyết dưới da, đau họng, loét miệng, sốt và mệt mỏi. Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng sức khỏe thường xuyên. 

Đây không phải là danh sách đầy đủ các tác dụng phụ có thể xảy ra. Liên hệ cho bác sĩ để được tư vấn nếu gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào. 

Những loại thuốc ảnh hưởng đến Diamicron

Nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Điều quan trọng là phải thông báo cho bác sĩ biết tất cả các thuốc bạn đang sử dụng bao gồm thuốc kê đơn, không kê đơn, vitamin và các loại thảo dược khác.  

Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc mới nào trong thời gian điều trị bằng Diamicron, để đảm bảo an toàn và tránh những tương tác thuốc không mong muốn. 

Các loại thuốc sau đây có thể tăng cường tác dụng của Diamicron, do đó làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. Nếu bắt đầu điều trị bất kỳ loại thuốc nào dưới đây, liều lượng Diamicron có thể cần thay đổi: 

  • Thuốc ức chế men chuyển như Captopril, Enalapril có thể gây giảm lượng đường trong máu đột ngột.
  • Azapropazone
  • Chloramphenicol
  • Cimetidine
  • Thuốc chống đông Coumadin như Warfarin (tác dụng chống đông máu cũng có thể bị thay đổi - nếu dùng thuốc chống đông với Diamicron, bác sĩ có thể theo dõi thêm thời gian đông máu (INR) và lượng đường máu).
  • Disopyramide
  • Thuốc giảm mỡ máu Fibrat ví dụ như Bezafibrate, Ciprofibrate.
  • Thuốc chống nấm Fluconazole
  • Insulin
  • Thuốc chống trầm cảm MAOI như Phenelzine, Isocarboxazid, Tranylcypromine.
  • Miconazole là thuốc không được dùng với Gliclazide.
  • Thuốc viên điều trị đái tháo đường khác.
  • Phenylbutazone
  • Liều lượng lớn hoạt chất Salicylate như Aspirin.
  • Sulfinpyrazone
  • Kháng sinh nhóm Sulphonamide ví dụ như Sulfamethoxazole, Cotrimoxazole.
  • Thuốc chẹn beta giao cảm như Propranolol (bao gồm cả dạng thuốc nhỏ mắt) có thể che lấp một số dấu hiệu của tình trạng hạ đường huyết chẳng hạn như tăng nhịp tim và run. Ngoài ra, cũng kéo dài các đợt đường huyết thấp và làm suy giảm khả năng phục hồi trở lại mức đường huyết bình thường.

Thuốc làm tăng lượng đường trong máu như một tác dụng phụ có thể làm giảm hiệu quả điều trị của Diamicron 

Bác sĩ có thể theo dõi lượng đường máu của bạn khi bắt đầu hoặc ngừng điều trị bất kỳ thuốc nào kể trên trong khi dùng Gliclazide và nếu cần, bác sĩ có thể thay đổi liều lượng thuốc sao cho phù hợp. 

Octreotide và Lanreotide cũng có thể ảnh hưởng đến lượng đường máu, nếu sử dụng 1 trong 2 thuốc này, bác sĩ có thể kiểm tra lượng đường máu và chỉnh liều Gliclazide. 

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!