Đau thượng vị và các biện pháp giảm nhẹ

Đau thượng vị là cơn đau gây cảm giác khó chịu ngay bên dưới xương ức và trên rốn. Đau thượng vị thường xảy ra cùng với các triệu chứng phổ biến khác của hệ tiêu hóa như ợ chua, khó tiêu và chướng bụng.

Video Đau thượng vị: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Đau thượng vị không phải lúc nào cũng đáng lo ngại. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân gây ra, đặc biệt thường xuất hiện ngay sau ăn.

Điều quan trọng là phân biệt được sự khác biệt giữa các cơn đau vô hại như do ăn quá nhiều hoặc không dung nạp đường lactose và cơn đau xảy ra do một tình trạng tiềm ẩn như trào ngược axit dạ dày-thực quản, viêm loét dạ dày hoặc nhiễm trùng.

Tiếp tục đọc bài viết để tìm hiểu thêm về những nguyên nhân gây ra các triệu chứng đau thượng vị.

Nguyên nhân đau thượng vị

Trào ngược axit dạ dày-thực quản

Trào ngược axit dạ dày-thực quản gây ợ hơi và đau rát vùng thượng vịTrào ngược axit xảy ra khi axit trong dạ dày hoặc thức ăn trào ngược lên thực quản. Khi điều này xảy ra, có thể gây đau ở ngực và họng. Theo thời gian, trào ngược axit liên tục có thể gây ra bệnh trào ngược dạ dày-thực quản (GERD) cần phải được bác sĩ theo dõi thường xuyên.

Các triệu chứng thường gặp của trào ngược axit bao gồm:

  • Ợ nóng.
  • Khó tiêu.
  • Vị chua bất thường trong miệng.
  • Đau họng hoặc khàn giọng.
  • Cảm thấy có một khối u trong cổ họng.
  • Ho liên tục. 

Ợ chua và khó tiêu

Ợ chua là kết quả của trào ngược axit và có thể gây đau tức ngực. Chứng khó tiêu là một trong số các triệu chứng tiêu hóa xảy ra khi ăn những loại thực phẩm không lành mạnh.

Triệu chứng phổ biến nhất của chứng ợ chua là cảm giác nóng rát ở ngực sau khi ăn. Cảm giác nóng rát này thường nghiêm trọng hơn khi nằm hoặc cúi xuống, bởi vì axit di chuyển lên thực quản nhiều hơn.

Các triệu chứng phổ biến của chứng khó tiêu bao gồm:

  • Cảm thấy đầy hơi.
  • Ợ hơi.
  • No ngay cả khi chưa ăn nhiều.
  • Buồn nôn.
  • Bụng chướng khí.

Không dung nạp đường lactose

Không dung nạp lactose xảy ra khi cơ thể gặp khó khăn trong việc hấp thu tiêu hóa các sản phẩm hàng ngày như sữa hoặc pho mát. Các sản phẩm từ sữa đều chứa một loại đường gọi là lactose. Thông thường, các triệu chứng sẽ xảy ra mỗi khi sử dụng sữa.

Không dung nạp lactose thường do cơ thể không có đủ lactase - một loại Enzyme rất quan trọng trong việc phá vỡ cấu trúc phân tử đường lactose.

Các triệu chứng phổ biến của chứng không dung nạp lactose bao gồm:

  • Đầy hơi.
  • Đau dạ dày.
  • Chướng bụng khí.
  • Tiêu chảy.
  • Buồn nôn và nôn. 

Rượu 

Uống rượu ở mức độ vừa phải hoặc khoảng một ly mỗi ngày thường không gây đau dạ dày. Nhưng uống quá nhiều rượu một lúc hoặc trong thời gian dài có thể gây viêm niêm mạc dạ dày. Tình trạng viêm kéo dài có thể dẫn đến chảy máu.

Uống quá nhiều cũng có thể gây ra các tình trạng như:

Những bệnh lý này đều có thể gây ra đau thượng vị

Ăn quá nhiều

Khi ăn quá nhiều, dạ dày phải dãn rộng so với kích thước bình thường và làm tăng áp lực cho các cơ quan xung quanh. Áp lực này có thể khiến ruột bị đau hoặc gây khó thở vì cơ hoành bị đẩy lên cao dẫn đến phổi giảm không gian giãn nở khi hít vào.

Ăn quá no cũng có thể khiến axit trong dạ dày và các chất trong dạ dày trào ngược lên thực quản dẫn đến chứng ợ nóng và trào ngược axit. Những tình trạng này làm cho cơn đau thượng vị trở nên nghiêm trọng hơn.

Nếu bị rối loạn ăn uống liên quan đến chứng ăn vô độ, nôn mửa nhiều lần sau khi ăn cũng có thể gây ra đau thượng vị.

Thoát vị hoành

Thoát vị hoành xảy ra khi một phần của dạ dày bị đẩy lên phía trên cơ hoành qua lỗ mà thực quản đi qua.

Thoát vị hoành không phải lúc nào cũng gây đau hoặc khó chịu.

Các triệu chứng phổ biến của thoát vị hoành có thể bao gồm:

  • Khó tiêu.
  • Cảm giác nóng trong ngực.
  • Bị kích thích hoặc đau họng.
  • Ợ hơi nhiều.

Viêm thực quản

Viêm thực quản xảy ra khi niêm mạc thực quản bị viêm. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm axit trào ngược dạ dày-thực quản, dị ứng, nhiễm trùng hoặc kích ứng mạn tính do thuốc. 

Nếu không điều trị, viêm thực quản theo thời gian có thể hình thành sẹo xơ trên niêm mạc thực quản

Các triệu chứng phổ biến của viêm thực quản bao gồm:

  • Nóng rát ở ngực hoặc cổ họng.
  • Vị chua bất thường trong miệng.
  • Ho khan.
  • Khó nuốt hoặc đau khi nuốt.

Viêm dạ dày

Viêm dạ dày xảy ra khi lớp niêm mạc dạ dày bị viêm do vi khuẩn, rối loạn hệ thống miễn dịch hoặc tổn thương thường xuyên trong dạ dày. Viêm dạ dày có thể là cấp tính, kéo dài trong một thời gian ngắn hoặc mạn tính, kéo dài nhiều năm nếu không được điều trị.

Các triệu chứng phổ biến của viêm dạ dày có thể bao gồm:

  • Đau hoặc khó chịu ở trên rốn hoặc ngực.
  • Buồn nôn.
  • Nôn mửa, nôn ra máu hoặc chất giống như bã cà phê.
  • Đi ngoài phân đen.

Bệnh loét dạ dày tá tràng

Viêm loét dạ dày gây đau dữ dội vùng thượng vị. Nguồn ảnh: Medical News TodayViêm loét dạ dày gây đau dữ dội vùng thượng vị. Bệnh loét dạ dày tá tràng xảy ra khi niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng bị tổn thương do tác nhân vi khuẩn hoặc do dùng quá nhiều một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để giảm đau.

Các triệu chứng phổ biến của bệnh loét dạ dày tá tràng có thể bao gồm:

  • Buồn nôn.
  • Nôn.
  • Cảm thấy đầy bụng.
  • Đau dạ dày mà thức ăn có thể làm cải thiện hoặc trầm trọng thêm.
  • Dấu hiệu thiếu máu mạn tính như  mệt mỏi, xanh xao hoặc khó thở.

Barrett thực quản

Barrett thực quản là hiện tượng các tế bào trong thực quản được thay thế bằng các tế bào giống như niêm mạc ruột, hay gọi là loạn sản ruột - tình trạng này cần theo dõi chặt chẽ. 

Nếu không được kiểm soát, Barrett thực quản có thể dẫn đến ung thư thực quản. Trào ngược axit dạ dày-thực quản, hút thuốc lá, uống rượu và béo phì cũng là những yếu tố nguy cơ của loại ung thư này.

Barrett thực quản không có bất kỳ triệu chứng nổi bật nào, nếu xảy ra do GERD có thể có các triệu chứng như:

  • Đau họng hoặc khàn giọng.
  • Vị chua bất thường trong miệng.
  • Nóng trong bụng.
  • Ợ nóng.
  • Khó nuốt.

Viêm túi mật hoặc sỏi mật

Viêm túi mật do sỏi cũng là nguyên nhân gây đau vùng thượng vị. Nguồn ảnh: HealthlineViêm túi mật do sỏi cũng là nguyên nhân gây đau vùng thượng vị. Đau vùng thượng vị có thể xuất hiện khi viêm túi mật do sỏi mật kẹt cổ túi mật. Tình trạng này gây đau đớn và có thể phải nhập viện điều trị, thậm chí phẫu thuật.

Các triệu chứng phổ biến của viêm túi mật có thể bao gồm:

  • Không có cảm giác thèm ăn.
  • Đau dữ dội xung quanh túi mật (vùng hạ sườn phải).
  • Buồn nôn và nôn.
  • Chướng bụng và đầy hơi.
  • Sốt cao
  • Phân bạc màu.
  • Vàng da.

Đau thượng vị khi mang thai

Đau nhẹ vùng thượng vị thường gặp khi mang thai do áp lực mà thai ngày càng lớn lên trong bụng. Đau thượng vị cũng phổ biến do những thay đổi nội tiết tố và tiêu hóa. Ngoài ra, có thể bị ợ chua thường xuyên khi đang mang thai.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp cơn đau thượng vị khi mang thai là triệu chứng của một tình trạng nghiêm trọng gọi là tiền sản giật - đòi hỏi sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ và có thể đe dọa tính mạng. Vì vậy, phụ nữ mang thai cần được theo dõi chặt chẽ, kiểm tra huyết áp, xét nghiệm máu và nước tiểu để loại trừ tiền sản giật là nguyên nhân gây đau thượng vị.

Phương pháp điều trị đau thượng vị

Điều trị đau thượng vị tùy thuộc vào nguyên nhân. Nếu cơn đau là hậu quả của chế độ ăn kiêng hoặc ăn quá nhiều, bác sĩ có thể khuyên bạn nên thay đổi chế độ ăn uống hoặc lối sống như tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày hoặc ăn những thực phẩm lành mạnh. Ăn thực phẩm như gừng và bổ sung vitamin B có thể giúp giảm các triệu chứng như buồn nôn và nôn.

Nếu cơn đau xuất hiện do dùng một số loại thuốc như chống viêm không steroid, bác sĩ có thể chỉ định ngừng dùng những loại thuốc này và tìm giải pháp khác để kiểm soát cơn đau. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc trung hòa axit hoặc thậm chí là thuốc kháng axit để giảm đau.

Nếu một tình trạng tiềm ẩn như trào ngược axit dạ dày-thực quản, barrett thực quản hoặc loét dạ dày tá tràng gây ra cơn đau thượng vị, có thể cần dùng thuốc kháng sinh để kiểm soát bệnh. Điều trị có thể kéo dài hàng tháng hoặc suốt đời tùy thuộc vào nguyên nhân.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đi khám ngay nếu cơn đau thượng vị dữ dội, liên tục hoặc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.

Đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc Trung tâm cấp cứu nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Khó nuốt.
  • Nôn máu.
  • Máu trong phân hoặc đi ngoài phân đen.
  • Sốt cao.
  • Tức ngực.
  • Khó thở
  • Ngất xỉu.

Nên đến gặp bác sĩ nếu các triệu chứng kéo dài nhiều ngày mà không thuyên giảm bằng các phương pháp điều trị không kê đơn hoặc tại nhà. Nhiều nguyên nhân gây đau thượng vị có thể điều trị khỏi, kể cả bệnh mạn tính. Hãy đi khám ngay khi cơn đau thượng vị không thuyên giảm để có phương pháp hiệu quả giúp giảm các triệu chứng và kiểm soát các tình trạng khác.

Câu hỏi liên quan

Cách chữa bệnh đau dạ dày bằng mật ong tại nhà khá đơn giản: Chữa đau dạ dày bằng mật ong bằng cách uống với nước ấm, Chữa đau dạ dày bằng nghệ và mật ong, Chữa dạ dày bằng mật ong và trứng gà hiệu quả,...
Xem thêm
Các cơn đau sẽ tạm ngừng nếu áp dụng những cách thức sau đây: Sử dụng nghệ và mật ong, Sử dụng nước gạo chữa đau thượng vị, Điều trị đau thượng vị bằng sữa chua, Trà quế
Xem thêm
Bác sĩ dinh dưỡng khuyên bạn nên “bỏ túi” một số loại thực phẩm có lợi như sau: Khoai lang, Vitamin K, Bánh mì, bánh quy, Dầu olive, Thức ăn mềm, dễ tiêu hóa ,...
Xem thêm
Dưới đây là một số loại thuốc được sử dụng phổ biến để điều trị cơn đau vùng thượng vị, bao gồm: Thuốc kháng acid trị đau thượng vị, Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, Thuốc kháng histamine H2 giảm đau thượng vị,...
Xem thêm
Đau thượng vị là tình trạng xảy ra phổ biến ở những người vận động mạnh sau khi ăn uống hoặc ăn quá no. Tuy nhiên nếu tình trạng này thường xuyên xuất hiện vào ban đêm, người bệnh có thể cân nhắc những yếu tố nguy cơ và nguyên nhân dưới đây: Trào ngược dạ dày thực quản, Viêm loét dạ dày tá tràng, Bệnh viêm thực quản,...
Xem thêm
Nguyên nhân của đau thượng vị rất đa dạng, đặc biệt là phụ nữ mang thai, có thể như: Thay đổi của cơ thể khi mang thai, Có tiền sử bệnh đau dạ dày, Mắc các bệnh lý đường tiêu hóa
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Đau thượng vị
Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!