Tại sao lưng tôi lại đau nhiều sau khi sinh con?
Khi mang thai, tử cung to lên, kéo căng, làm yếu cơ bụng và thay đổi tư thế của bạn, từ đó gây áp lực cho lưng. Cân nặng tăng thêm trong (và sau) thai kỳ không chỉ có nghĩa là cơ bắp của bạn phải làm việc nhiều hơn mà còn làm tăng gánh nặng lên các khớp. Thêm vào đó, sự thay đổi nội tiết tố có thể làm lỏng các khớp và dây chằng. Thật không may, tất cả những thay đổi này thường không biến mất ngay sau khi bạn sinh con.
Ngoài ra, trong khi sinh, bạn có thể đã sử dụng các cơ mà bạn không thường sử dụng, vì vậy bạn có thể cảm nhận được những tác động đó trong một thời gian, đặc biệt nếu bạn trải qua một cuộc chuyển dạ kéo dài hoặc chuyển dạ khó.
Các yếu tố khác cũng ảnh hưởng trong thời kỳ sau sinh. Nhiều người mới làm mẹ đã vô tình làm cho các vấn đề về lưng trở nên nghiêm trọng hơn do không áp dụng tư thế tốt khi cho con bú. Khi lần đầu tiên cho con bú, bạn có thể cố gắng làm cho con ngậm vú đúng bằng cách cúi người, căng cơ cổ và lưng trên khi nhìn xuống.
Và sự mệt mỏi, căng thẳng khi chăm sóc trẻ sơ sinh 24/7 cũng có thể khiến bạn khó phục sau khi sinh con, gồm cả việc đau lưng.
Nó sẽ kéo dài trong bao lâu?
Đau lưng thường thuyên giảm trong vòng vài tháng sau khi sinh mặc dù một số phụ nữ sẽ tiếp tục bị đau lâu hơn.
Nếu bạn bị đau lưng trước hoặc trong khi mang thai, bạn có nhiều khả năng bị đau lưng dai dẳng sau khi mang thai, đặc biệt nếu nó nghiêm trọng hoặc bắt đầu tương đối sớm trong thai kỳ. Thừa cân cũng làm tăng nguy cơ đau lưng mạn tính.
Bạn có thể làm gì với nó?
Bắt đầu bằng cách cho bác sĩ biết về tình trạng đau lưng của bạn. Họ có thể đề xuất các biện pháp tự chăm sóc thích hợp để thử trước và đánh giá tình hình của bạn nếu bạn cần điều trị thêm. Các phương pháp điều trị đau lưng phổ biến tại nhà bao gồm:
Tập thể dục nhẹ nhàng
Khi lưng bị đau, việc di chuyển xung quanh nhà cũng có thể khó khăn nhưng đó có thể là điều cơ thể bạn cần.
Lúc đầu, hãy chọn một hình thức vận động nhẹ nhàng như đi bộ. Miễn là bạn thực hiện chậm và đi bộ ngắn trong vài tuần đầu tiên thì việc đi bộ là an toàn để bắt đầu ngay sau khi sinh đường âm đạo hoặc sinh mổ.
Khi bác sĩ cho phép, bạn có thể tập cơ sàn chậu, cố gắng để nó trở thành thói quen hàng hằng. Bạn cũng có thể bắt đầu tập dần các bài tập để tăng cường cơ lưng và cơ bụng. Hãy thử các bài tập kéo giãn nhẹ nhàng hoặc yoga - chỉ cần đảm bảo tránh các tư thế quá căng hoặc quá sức. Và luôn lắng nghe cơ thể của bạn. Nếu một vị trí hoặc hoạt động nào đó gây ra cảm giác khó chịu, hãy dừng lại ngay.
Tư thế chuẩn
Hãy luôn nhắc nhở bản thân cần:
- Đứng - và ngồi - thẳng.
- Chú ý đến tư thế cơ thể khi cho trẻ bú, cho dù bạn đang cho bú mẹ hay bú bình. Chọn một chiếc ghế thoải mái có tay vịn và kê nhiều gối để hỗ trợ thêm cho lưng và cánh tay của bạn. Nếu bạn đang cho con bú, hãy cân nhắc mua một chiếc gối cho con bú có vòng ở giữa. Bạn cũng cố gắng sử dụng một chiếc ghế kê chân để giữ cho bàn chân của bạn hơi nâng lên khỏi sàn.
- Học tư thế đúng cách khi cho con bú và luôn đưa con vào gần vú thay vì làm ngược lại. Cũng thử các tư thế cho con bú khác nhau. Nếu bạn bị căng vai và đau lưng trên, tư thế nằm nghiêng có thể thoải mái nhất.
- Luôn cúi xuống từ đầu gối và nhấc đồ vật (hoặc bế em bé) từ tư thế cúi người để giảm thiểu áp lực cho lưng.
- Hãy nhờ người khác nâng vật nặng, đặc biệt nếu bạn sinh mổ.
Tự chăm sóc bản thân
Giảm đau nhức, giãn cơ và chăm sóc bản thân tốt có thể giúp bạn đối phó với chứng đau lưng. Ít nhất, nó có thể giúp bạn tạm thời cảm thấy dễ chịu hơn.
- Ngâm mình trong bồn nước ấm.
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh lên vùng bị đau. (Qua lớp vải để bảo vệ làn da của bạn.)
- Mát-xa để làm dịu các cơ bị co kéo, giảm căng cơ vai và đau thắt lưng.
- Học các kỹ thuật thư giãn. Chúng có thể giúp bạn đối phó với sự khó chịu và có thể đặc biệt hữu ích khi đi ngủ.
- Thử kích thích dây thần kinh bằng điện qua da. Một số người nói rằng việc sử dụng một trong những thiết bị nhỏ, rẻ tiền này tạm thời làm giảm cơn đau thắt lưng của họ.
Bạn cũng có thể xem xét:
- Dùng ibuprofen hoặc paracetamol để giảm đau. Không dùng nhiều hơn mức khuyến nghị và trao đổi với bác sĩ nếu bạn thấy mình cần phải dùng nhiều hơn hoặc nếu thuốc không có tác dụng.
- Vật lý trị liệu. Chuyên gia vật lý trị liệu có thể dạy bạn các bài tập để giảm hoặc ngăn ngừa đau thắt lưng.
- Các phương pháp điều trị thay thế như châm cứu hoặc trị liệu thần kinh cột sống. Có một số bằng chứng cho thấy chúng có thể giúp giảm đau.
Bạn nên đi khám khi nào?
Đi khám ngay lập tức nếu:
- Đau lưng dữ dội, liên tục hoặc ngày càng nặng hơn.
- Đau lưng là do chấn thương hoặc kèm theo sốt.
- Bạn mất cảm giác ở một hoặc cả hai chân, hoặc đột nhiên cảm thấy không phối hợp được hoặc yếu đi.
- Bạn mất cảm giác ở mông, bẹn hoặc vùng sinh dục (bao gồm cả bàng quang hoặc hậu môn). Điều này có thể khiến bạn khó đi tiểu hoặc đi tiêu hoặc gây ra tiểu không tự chủ.
Xem thêm: