Đau dây thần kinh: Phân loại, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Đau dây thần kinh là cảm giác đau nhức, đau nhói, tính chất đau thường dữ dội, gây ra do dây thần kinh bị kích thích hoặc bị tổn thương.

Video Đau dây thần kinh liên sườn 

Dây thần kinh có thể ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể và tổn thương có thể do một số nguyên nhân, bao gồm:

  • Sự lão hóa
  • Đái tháo đường hoặc đa xơ cứng
  • Nhiễm trùng, chẳng hạn như bệnh zona

Điều trị cơn đau do dây thần kinh sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân.

Các loại đau dây thần kinh

Đau dây thần kinh sau Herpes                         

Tổn thương da và tổn thương thần kinh do HerpesNguồn: WV AcupunctureTổn thương da và tổn thương thần kinh do Herpes

Đau dây thần kinh sau Herpes thường do biến chứng của bệnh zona và có thể ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Bệnh zona là một bệnh nhiễm trùng do virus Herpes gây ra, đặc trưng bởi triệu chứng phát ban dạng đám, gồm nhiều mụn nước nhỏ, gây đau. Đau dây thần kinh có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào bùng phát bệnh zona. Cơn đau nhẹ hoặc dữ dội, dai dẳng hoặc không liên tục. Đau thần kinh sau zona có thể kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm. Trong một số trường hợp, cơn đau có thể xảy ra trước khi phát ban. Nó sẽ luôn xảy ra dọc theo đường đi của dây thần kinh, vì vậy tổn thương da do zona thường phân bố khu trú ở một bên của cơ thể.

Đau dây thần kinh sinh ba

Loại đau dây thần kinh này do tổn thương dây thần kinh sinh ba. Đây là cặp dây thần kinh xuất phát từ não bộ và phân nhánh đến các bộ phận khác nhau của khuôn mặt. Cơn đau có thể do mạch máu đè lên dây thần kinh tại nơi tiếp xúc với thân não. Nó cũng có thể do đa xơ cứng, chấn thương dây thần kinh hoặc các nguyên nhân khác.

Đau dây thần kinh sinh ba gây ra các cơn đau dữ dội, tái phát ở mặt, thường ở một bên. Nó phổ biến nhất ở những người trên 50 tuổi.

Đau dây thần kinh hầu họng

Đau dây thần kinh vùng hầu họng thường không phổ biến. Tổn thương dây thần kinh hầu họng gây ra cơn đau ở cổ và hầu họng.

Nguyên nhân đau dây thần kinh

Nguyên nhân của một số loại đau dây thần kinh hiện chưa được biết rõ. Cơn đau dây thần kinh có thể do tổn thương hoặc chấn thương dây thần kinh, do áp lực đè lên dây thần kinh hoặc thay đổi cách thức hoạt động của dây thần kinh. Nguyên nhân cũng có thể không rõ.

Bệnh nhiễm trùng

Nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh của bạn. Ví dụ, nguyên nhân gây ra chứng đau dây thần kinh sau phát ban là bệnh zona, một bệnh nhiễm trùng do virus Herpes gây ra. Khả năng bị nhiễm trùng này tăng lên theo tuổi. Nhiễm trùng ở một bộ phận cụ thể của cơ thể cũng có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh gần đó. Ví dụ, nếu bạn bị nhiễm trùng ở răng, nó có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh sinh ba và gây đau.

Bệnh đa xơ cứng

Nguyên nhân Bệnh đa xơ cứng

Bệnh đa xơ cứng (MS) là một bệnh gây ra bởi sự thoái hóa lớp vỏ myelin, lớp vỏ bọc của dây thần kinh. Đau dây thần kinh sinh ba có thể xảy ra ở người bị MS.

Do chèn ép dây thần kinh

Áp lực hoặc sự chèn ép các dây thần kinh có thể gây ra cơn đau kiểu dây thần kinh. Áp lực có thể do sự chèn ép của:

  • Xương
  • Dây chằng
  • Mạch máu
  • Khối u

Áp lực do một mạch máu bị phù nề là nguyên nhân phổ biến gây đau dây thần kinh sinh ba.

Bệnh đái tháo đường

Nhiều người mắc đái tháo đường có biến chứng tổn thương thần kinh, có thể có cơn đau do dây thần kinh. Lượng glucose dư thừa trong máu gây tổn thương các mạch máu nhỏ tới nuôi dưỡng mô, làm tổn thương các dây thần kinh ngoại vi. Tổn thương này thường gặp nhất ở các mô xa tim như bàn tay, cánh tay, bàn chân và cẳng chân.

Nguyên nhân ít phổ biến hơn

Nếu nguyên nhân của đau dây thần kinh không phải do nhiễm trùng, MS, tiểu đường hoặc áp lực chèn lên dây thần kinh, thì có thể là do một trong những nguyên nhân ít phổ biến hơn như:

  • Bệnh thận mãn tính
  • Thuốc được kê đơn cho bệnh ung thư
  • Kháng sinh fluoroquinolon, được sử dụng để điều trị một số bệnh nhiễm trùng
  • Chấn thương, chẳng hạn như từ phẫu thuật
  • Kích ứng hóa học

Khi nào cần đi khám?

Các cơn đau do dây thần kinh thường dữ dội, gây giảm chất lượng cuộc sống. Nếu mắc phải, bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh, nội tiết, truyền nhiễm, nội khoa, hoặc bác sĩ chuyên khoa điều trị bệnh chính gây ra tổn thương thần kinh. Bạn cũng nên đi khám truyền nhiễm nếu nghi ngờ mình bị bệnh zona. Bên cạnh chứng đau dây thần kinh, bệnh zona còn gây phát ban mụn nước, phồng rộp. Ban thường ở lưng hoặc bụng, nhưng nó cũng có thể ở cổ và mặt. Bệnh zona cần được điều trị càng sớm càng tốt để ngăn ngừa các biến chứng. Biến chứng thường gặp có thể là chứng đau dây thần kinh sau vận động, có thể gây suy nhược và đau đớn suốt đời.

Nội dung buổi khám bệnh

Khi đi khám đau dây thần kinh, bác sĩ sẽ khai thác triệu chứng của người bệnh. Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân mô tả cơn đau, cơn đau kéo dài trong bao lâu, các loại thuốc đã dùng và tiền sử bệnh tật trước đó. Đau dây thần kinh có thể chỉ là triệu chứng của một chứng rối loạn khác, chẳng hạn như đái tháo đường, MS hoặc bệnh zona.

Bác sĩ cũng sẽ tiến hành khám toàn thân, khám cơ quan có ảnh hưởng bởi cơn đau và dây thần kinh gây ra cơn đau, nếu có thể. Bạn cũng có thể cần phải khám răng. Ví dụ, nếu cơn đau ở mặt, bác sĩ có thể muốn loại trừ các nguyên nhân răng miệng có thể gây cơn đau, chẳng hạn như áp xe.

Để tìm ra nguyên nhân cơ bản gây ra cơn đau, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm. Người bệnh cần lấy máu để kiểm tra lượng đường trong máu và chức năng thận. Xét nghiệm chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể giúp bác sĩ xác định xem bạn có bị MS hay không. Test đánh giá tốc độ dẫn truyền thần kinh có thể xác định tổn thương thần kinh. Nó cho biết các tín hiệu đang di chuyển nhanh như thế nào qua các dây thần kinh.

Điều trị đau dây thần kinh

Nếu bác sĩ có thể xác định nguyên nhân gây đau dây thần kinh, việc điều trị sẽ tập trung vào điều trị nguyên nhân gây bệnh. Nếu không thể tìm ra nguyên nhân, việc điều trị sẽ tập trung vào việc điều trị triệu chứng, giảm đau cho người bệnh.

Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Phẫu thuật để giảm áp lực lên dây thần kinh
  • Kiểm soát tốt lượng đường trong máu ở những người bị đau dây thần kinh do tiểu đường
  • Vật lý trị liệu
  • Phong bế thần kinh, là một mũi tiêm hướng vào một dây thần kinh hoặc nhóm dây thần kinh cụ thể và nhằm mục đích "tắt" tín hiệu dẫn truyền cảm giác đau và giảm viêm.
  • Thuốc giảm đau

Các loại thuốc kê đơn như:

  • Thuốc chống trầm cảm như amitriptyline hoặc nortriptyline, có hiệu quả trong điều trị đau dây thần kinh
  • Thuốc chống động kinh như carbamazepine, có hiệu quả đối với chứng đau dây thần kinh sinh ba
  • Thuốc giảm đau có chất gây mê ngắn hạn, chẳng hạn như codeine
  • Kem bôi với capsaicin

Tiên lượng đau dây thần kinh

Không có cách chữa khỏi đau dây thần kinh, nhưng điều trị có thể giúp cải thiện các triệu chứng. Một số loại đau dây thần kinh cải thiện theo thời gian. Nhiều nghiên cứu đang được thực hiện để phát triển các phương pháp điều trị tốt hơn cho chứng đau dây thần kinh.

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!