Chọc hút trứng: Mục đích, quy trình và theo dõi

Theo thống kê, tại Việt Nam, có khoảng 8-10% ở các cặp vợ chồng bị vô sinh, hiếm muộn, trong đó khoảng 30% trường hợp vô sinh là do người chồng, 40% do người vợ. Trong đó, 50% các cặp vợ chồng vô sinh ở độ tuổi dưới 30. Tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam đang vào mức cảnh báo, đang dần trẻ hóa và diễn biến phức tạp.

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là một kỹ thuật hiệu quả, có tỷ lệ thành công cao, giúp bệnh nhân vô sinh sớm chạm vào ước mơ làm cha mẹ. 

Mục đích chọc hút trứng

Chọc hút trứng là một trong những thủ thuật quan trọng khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Đây là quá trình lấy tế bào trứng ra khỏi buồng trứng của người phụ nữ để kết hợp với tinh trùng người chồng tạo thành phôi thai. 

Chọc hút trứng là một công đoạn quan trọng quyết định thành công của việc thụ tinh trong ống nghiệm. 

Chuẩn bị thực hiện chọc hút trứng 

Tùy vào tình hình sức khỏe sinh sản, độ tuổi, các chỉ số nội tiết tố… bác sĩ sẽ chỉ định bạn sử dụng thuốc (uống thuốc hoặc tiêm thuốc) kéo dài từ 10 – 12 ngày nhằm kích thích buồng trứng (kích thích quá trình rụng trứng).

Sau quá trình kích trứng, các nang noãn đạt đến kích thước tiêu chuẩn, bác sĩ sẽ quyết định thời điểm tiêm rụng. 

Sau khi trứng đã trưởng thành đạt yêu cầu, quy trình chọc hút trứng trong IVF được thực hiện bằng cách hút lấy tế bào trứng từ buồng trứng qua đường âm đạo người phụ nữ và đem đi thụ tinh trong ống nghiệm.

Thời gian là một yếu tố rất quan trọng trong toàn bộ quá trình này để có thể lập kế hoạch từng bước phù hợp và tương thích với nhau. Theo đó, bạn phải nhớ không ăn hay uống bất kỳ thứ gì kể từ thời điểm nửa đêm. Ngoài ra, bạn cũng không được sử dụng bất kỳ loại dung dịch vệ sinh phụ nữ, nước thơm và cả các loại sản phẩm dành cho tóc, trang điểm, nước hoa nào trong ngày hẹn thực hiện quá trình chọc hút trứng. 

Quy trình chọc hút trứng

Sau khi hoàn tất đăng ký các thủ tục cần thiết, bạn sẽ được đưa đến phòng mổ và được hướng dẫn thay áo choàng, đại tiểu tiện để làm trống bàng quang và trực tràng. 

Các bước thực hiện chọc trứng: 

Bước 1: Đặt người bệnh nằm tư thế phụ khoa, giảm đau bằng gây mê hoặc gây tê tại chỗ kết hợp tiền mê, thuốc an thần mức độ nhẹ, giúp bạn có một giấc ngủ nông ngắn trong vòng khoảng từ 20 đến 30 phút, giúp cho bạn bớt lo lắng, giảm kích thích, đau đớn nhằm giúp thủ thuật diễn ra thuận lợi hơn.

Bước 2: Đặt mỏ vịt để làm sạch toàn bộ âm đạo bằng nước muối ấm vô trùng. 

Bước 3: Bác sĩ sẽ đưa một đầu dò siêu âm vào ngã âm đạo để xác định buồng trứng cùng các nang noãn trưởng thành. 

Bước 4: Một kim hút được gắn vào đầu dò để hút trứng và dịch nang trứng từ lần lượt từng nang noãn. Quá trình này thường mất từ 5 đến 10 phút. 

Một khi tất cả các nang trứng đã được hút, khu vực âm đạo được làm sạch lần nữa, mỏ vịt được tháo ra và thủ thuật hoàn tất.

Chọc hút trứng có đau không?

Đây là câu hỏi phổ biến nhất, khiến các phụ nữ lo lắng nhất khi nghe tư vấn về việc thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.

Trước khi chọc hút trứng, bạn đã cần phải thực hiện nhiều xét nghiệm máu bằng cách lấy máu từ tĩnh mạch ở tay. Điều này cũng tương tự như cách loại xét nghiệm máu thông thường trong các bệnh lý khác. Tuy nhiên, các mũi kim lấy máu đôi khi cũng có thể gây ra đau đớn, khó chịu ở mức độ nhất định.

Khi thực hiện thủ thuật chọc hút trứng, bác sĩ gây mê sẽ dùng thuốc mê, thuốc an thần để giảm đau. Điều này sẽ giúp cho bạn giảm đi triệu chứng đau rất nhiều trong khi bạn vẫn tỉnh táo, vẫn tự thở được và nhận biết mọi thứ đang diễn ra xung quanh.

Khi quá trình chọc hút trứng kết thúc, tức là sau khoảng 15 phút, thuốc cũng kịp hết tác dụng và người phụ nữ sẽ được theo dõi cho đến khi mọi việc đều được đảm bảo thì có thể về nhà. Sau đó, bạn có thể trở lại sinh hoạt như bình thường. 

Cảm giác đau đớn sau chọc hút trứng có thể chỉ còn rất ít và dễ dàng được kiểm soát với các thuốc giảm đau sẵn có trong mọi gia đình. Bên cạnh đó, bạn cũng được dặn dò tránh các hoạt động có thể gây sang chấn cho âm đạo, kể cả quan hệ hay tắm bồn, để thành âm đạo bớt đau, sưng viêm và chóng lành.

Các biến chứng có thể gặp sau khi chọc hút trứng

Hầu hết các biến chứng do thủ thuật chọc hút trứng do đường đi của kim vào âm đạo và vào buồng trứng, gây tổn thương một số cơ quan và mô nhạy cảm khác nằm gần đó, như là động mạch chậu trong chạy hay niệu quản nằm ngay bên cạnh buồng trứng.

Ngoài ra cũng nguy cơ bị xuất huyết trong ổ bụng sau chọc hút trứng do chọc kim vào động mạch lớn. Thành các động mạch trong bụng chậu có thể dễ bị xé nát thêm sau từng nhịp đập, càng làm ổ chảy máu thêm nặng nề. Máu có thể lan tràn ổ bụng hay chảy ra âm đạo. Đôi khi cần phải phẫu thuật cấp cứu để cầm máu rửa sạch ổ bụng. Tuy nhiên, nhờ vào hướng dẫn của siêu âm, tỷ lệ xảy ra các biến chứng do thủ thuật này là rất thấp. Chảy máu trong ổ bụng ngay sau chọc hút trứng cũng có thể do tổn thương các mạch máu trên hay trong buồng trứng trong quá trình chọc hút. Tai biến này ít nghiêm trọng hơn nhưng xảy ra với tần suất lớn hơn chảy máu do tổn thương mạch chậu.

Các biến chứng khác có thể xảy ra là chấn thương đường ruột, viêm phúc mạc, tổn thương niệu quản gây chít hẹp, áp xe vùng chậu...

Một biến chứng khác cũng đã được báo cáo xuất hiện sau chọc hút trứng là xoắn buồng trứng, xảy ra khi buồng trứng xoắn quanh chính nó, làm cắt đứt nguồn cung cấp máu. Trong một nghiên cứu trên 1.500 phụ nữ, tỷ lệ xoắn buồng trứng xảy ra trong 0,13% các chu kỳ. Tuy nhiên, xoắn buồng trứng thường xảy ra muộn, 6 đến 13 tuần sau khi lấy tế bào trứng. 

Nhằm tránh các biến chứng nêu trên, những thao tác thực hiện sẽ đặt yêu cầu mức độ chuẩn xác cao nhất. Điều này đặc biệt lưu ý ở các đối tượng nguy cơ cao như từng có phẫu thuật trong vùng bụng chậu, tiền sử bệnh viêm vùng chậu hay cả lạc nội mạc tử cung buồng trứng.

Các biến chứng do gây mê/gây tê

Bên cạnh những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến việc thủ thuật, phụ nữ sau khi trải qua quá trình chọc hút trứng cũng lại phải đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn nhất định từ việc gây mê được sử dụng để kiểm soát cơn đau trong lúc thực hiện.

Hiện tại hầu như tất cả các bệnh nhân chọc hút trứng đều được giảm đau bằng phương pháp mê tĩnh mạch do sự đơn giản và ít biến chứng của thủ thuật này.

Các biến chứng dài hạn trên chức năng sinh sản

Có hai lý do để giải thích các nguy cơ có thể xảy ra sau chọc hút trứng mà có khả năng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trong tương lai. Lý do đầu tiên bắt đầu với biến chứng nhiễm trùng và chảy máu và đôi khi cần phải phẫu thuật để xử trí tổn thương, các phẫu thuật này có thể ảnh hưởng về lâu dài lên khả năng sinh sản.

Lý do thứ hai là những tổn thương trên các cơ quan của hệ sinh sản khi đâm kim xuyên qua bề mặt, đi từ âm đạo cho đến buồng trứng. Có một số giả thiết đã cho rằng các chấn thương này có thể dẫn đến sự hình thành các kháng thể chống lại buồng trứng, và thực tế, một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những phụ nữ sau khi chọc hút trứng sẽ có tỷ lệ kháng thể đối với mô buồng trứng cao hơn so với những người không trải qua thủ thuật này.

Hơn nữa, các kháng thể đối với kháng nguyên buồng trứng đã được chứng minh là có liên quan đến sự thất bại khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Vì do các kháng thể sẽ làm cản trở sự liên kết của tinh trùng khi xâm nhập vào tế bào trứng và do đó sẽ làm cho việc thụ tinh với trứng trở nên khó khăn hơn. Rất may là tai biến này rất hiếm gặp.

Chăm sóc sau quá trình chọc hút trứng như thế nào?

Sau khi thực hiện thủ thuật, người bệnh sẽ được đưa đến khu vực phục hồi. 

Một số bệnh nhân có thể cảm thấy buồn nôn, choáng váng nhẹ và điều này là thường gặp khi dùng thuốc mê. Tuy nhiên, nếu bạn bị nôn ói nhiều, bạn nên báo cho bác sĩ biết.

Nếu thủ thuật thành công, người bệnh có thể ăn nhẹ và uống thuốc giảm đau nếu đau. Cuối cùng, người bệnh có thể trở về nhà khi hoàn toàn phục hồi tỉnh táo cũng như không có tai biến gì liên quan đến thủ thuật.

Hầu hết các phụ nữ sau khi thực hiện chọc hút trứng đều có thể tiếp tục hoạt động bình thường vào ngày sau. Tuy nhiên, cần tránh hoạt động mạnh, chơi thể thao, giao hợp âm đạo hay ngâm mình trong nước nhằm giúp âm đạo nhanh chóng được hồi phục hoàn toàn.

Tóm lại, quá trình chọc hút trứng có mức độ đau không quá đáng kể, nhất là nếu so sánh với quá trình sinh đẻ sau này. Thậm chí, người phụ nữ còn được giảm đau tối đa bằng thuốc tiêm truyền trong quá trình thực hiện. 

Thủ thuật cần thực hiện nhẹ nhàng, nếu không sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo đó, các biến chứng có thể gặp sau chọc hút trứng là những điều cần nắm vững và dự phòng tối đa, nhằm đảm bảo một tiến trình thụ tinh trong ống nghiệm thành công cho người phụ nữ hiếm muộn.


Câu hỏi liên quan

Ăn nhiều trái cây rảu củ hàng ngày Hấp thụ các carbonhydrat phức tạp có trong ngũ cốc: gạo lứt, yến mạch, bánh mì được làm từ ngũ cốc nguyên hạt
Xem thêm
Thường để đảm bảo việc phục hồi sức khỏe, ít nhất khoảng cách của việc chọc trứng phải trên 3 tháng.
Xem thêm
Một số trường hợp sẽ có kinh sau 5 ngày rụng trứng hoặc có kinh sau 7 ngày rụng trứng. Tuy nhiên, đa số thường sẽ có kinh sau 14 ngày kể từ khi chọc trứng.
Xem thêm
Để đảm bảo an toàn sau chọc hút noãn, bạn nên nghỉ ngơi, kiêng sinh hoạt vợ chồng khoảng 1 tuần, tránh va chạm mạnh, bạn có thể tập thể dục với những bài tập nhẹ nhàng.
Xem thêm
Sau chọc hút trứng hay sau thụ tinh trong ống nghiệm, nếu không do nguyên nhân tuyệt đối gây vô sinh như bị tắc hay cắt 2 vòi trứng, không có tinh trùng,… thì cặp vợ chồng vẫn có thai tự nhiên.
Xem thêm
Vì vậy, theo lý thuyết thì sau chọc hút trứng, đã lấy hết noãn thì trong chu kỳ đó nếu quan hệ thì không có noãn để thụ thai. Tuy nhiên, trong y khoa có những trường hợp hạn hữu, nếu bạn chưa đến ngày ra kinh mà quan hệ tình dục thì vẫn có khả năng mang thai.
Xem thêm
Để quá trình chọc trứng an toàn, thuận lời, bác sĩ khuyến cáo về quan hệ vợ chồng thì cũng cần kiêng từ 3-5 ngày trước khi tiến hành thủ thuât
Xem thêm
Như chúng tôi được biết, hiện tại chi phí thụ tinh ống nghiệm tại khoa Hiếm Muộn bệnh viện Hùng Vương trung bình 60-70 triệu đồng. Chi phí chọc hút trước và tiêm tinh trùng vào bào tương trứng là 16 triệu đồng.
Xem thêm
Ngay sau khi tiến hành thủ thuật xong, bệnh nhân có thể hoạt động bình thường, tuy nhiên, tốt nhất, bệnh nhân nên dành trọn vẹn ngày đầu tiên để thư giãn và nghỉ ngơi hoàn toàn.
Xem thêm
Sau chọc trứng từ 3 đến 7 ngày [phôi ngày 2 đến phôi ngày 6], phôi sẽ được chuyển lại vào niêm mạc tử cung của người mẹ để làm tổ.
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Chọc hút trứng
Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!