(*) Tham khảo 1: Tác động của Cách mạng tháng Mười Nga đối với Cách mạng Việt Nam
- Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga (1917) và sự ra đời của nước Nga Xô viết đã tác động sâu sắc tới sự lựa chọn con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc, mở đầu quá trình giải quyết tình trạng khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo cho cách mạng Việt Nam (Nguyễn Ái Quốc đã từng nhận xét: “trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật...”)
- Sự bùng nổ, quá trình phát triển và giành thắng lợi của Cách mạng tháng Mười đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho cách mạng Việt Nam. Ví dụ như:
+ Bài học về vai trò lãnh đạo cách mạng: cách mạng muốn thành công cần có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước mình (Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã khẳng định: “lực lượng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là rất to lớn, là vô cùng, vô tận. Nhưng lực lượng ấy cần có Đảng lãnh đạo mới chắc chắn thắng lợi”).
+ Bài học về lực lượng cách mạng: trong lực lượng toàn dân tộc, chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò động lực cách mạng của công nhân và nông dân. Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Cách mệnh Nga dạy chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải lấy công nông làm gốc”.
+ Bài học về phương pháp cách mạng: sử dụng bạo lực cách mạng và chú trọng đến việc tạo thời cơ và chớp thời cơ cách mạng.
(*) Tham khảo 2: Tác động của Chiến tranh thế giới thứ nhất đến Việt Nam
- Thực dân Pháp tăng cường vơ vét, bót lột nhân dân Việt Nam để phục vụ cho Chiến tranh thế giới thứ nhất.
+ Khi cuộc Chiến tranh thế giới bùng nổ, toàn quyền Đông Dương tuyên bố: “nhiệm vụ chủ yếu của Đông Dương là phải cung cấp cho chính quốc đến mức tối đa nhân lực, vật lực và tài lực”.
+ Trong 4 năm chiến tranh, chính quyền thuộc địa ở Việt Nam đã bắt người dân phải đóng nhiều thứ thuế, mua công trái,… và thu được trên 184 triệu phrăng tiền công trái và 14 triệu phrăng tiền “quyên góp”; ngoài ra, hàng trăm tấn lương thực và nông sản các loại, hàng vạn tấn kim loại cần thiết cho chế tạo vũ khí được đưa sang Pháp.
+ Từ năm 1914 đến năm 1918, có khoảng 42922 binh lính và 49180 công nhân Việt Nam bị đưa sang Pháp và buộc phải tham gia vào Chiến tranh thế giới thứ nhất.
- Sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, để bù đắp thiệt hại do chiến tranh gây ra, thực dân Pháp đã tiến hành chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai ở Đông Dương (mà chủ yếu là ở Việt Nam), khiến đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam có nhiều chuyển biến sâu sắc.
- Sự suy yếu của Pháp sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đã tạo điều kiện khách quan cho sự phát triển của phong trào yêu nước, cách mạng ở Việt Nam.