Phong cách ngôn ngữ của văn bản là
Dựa vào các thông tin được cung cấp dưới đây để trả lời các câu từ 16 đến 20
Mở đầu lời chia sẻ của mình trên trang cá nhân của điều dưỡng Như Ngọc là những lời cám ơn, dòng thông báo rằng bản thân vẫn khoẻ, vẫn còn sức chiến đấu.
“Chỉ khác là, thay vì mỗi ngày mặc bộ quần áo màu xanh đặc trưng của hồi sức, thì bây giờ chúng em lại mặc bộ đồ màu trắng phủ từ trên xuống dưới, thay vì chảy những giọt mồ hội thì bây giờ là ướt đẫm bộ đồ phía trong.
Ngày thường thì tắm 1 đến 2 lần thì bây giờ ngày chúng em được tắm 3-4 lần, nên sạch sẽ lắm ạ” – lời chia sẻ đầy dí dỏm của Ngọc khiến tôi phải vội nhắn tin hỏi han.
Nhận ra người quen, Ngọc nói như khoe, mỗi khi tiếp xúc bệnh nhân thì cả đội phải thay trang phục, tắm rửa để tránh nhiễm khuẩn. Rồi cũng cô gái nhỏ nhắn ấy lại khoe, “A mà có những cô những chị tóc dài còn phải cắt tóc ngắn cho hợp thời trang với mùa dịch nữa, có cô đã 50 tuổi chưa bao giờ để tóc ngắn mà bây chừ phải cắt tóc ngắn đi. Mà phải xin phép chồng mới được cắt, được cái khoa em có thợ cắt tóc chuyên nghiệp nên cắt xong vẫn đẹp lắm” - Em gửi thêm biểu tượng mặt cười, còn tôi thì trào nước mắt.
Em chỉ nói lý do chứ chẳng kể rằng có những ca trực chỉ mới vào ca 30 phút, từ bác sĩ đến điều dưỡng đều phải đi thay đồ, tắm rửa để tránh nhiễm khuẩn. Vì họ phải điều trị cho những ca mắc COVID hoặc nghi ngờ mắc COVID. Cứ như vậy, mỗi lần bệnh nhân gặp vấn đề, họ lại thay nhau. Mỗi ca trực không biết phải tắm gội bao nhiêu lần. Mái tóc dài của các chị em cũng phải được gội đi gội lại bấy nhiêu bận.
Cả bệnh viện đang căng mình chống địch, chút thời gian sấy tóc cũng phải được tiết kiệm để vào thay ca ngay, tiếp sức đồng đội.
Tôi hỏi, bắt buộc phải cắt tóc sao em, có những chị đã giữ mái tóc thế 50 năm kia mà. “Vì mặc đồ chống dịch, đội mũ bảo hộ chặt khiến tóc dù buộc thế nào cũng sẽ cấn vào đầu. Đau lắm ạ. Đến khi ra trực, các chị đau đầu quá không ngủ được nên cắt đi cho nhẹ” – Lúc này Ngọc mới nói thật, rồi khoe hình ảnh các chị cắt tóc.
Tôi thấy họ vui cười nhưng thi thoảng nhắm chặt mắt lại khi nghe tiếng kéo đưa ngang bờ vai. Có chị nhắc đồng nghiệp: “Ngang vai thôi nghe” như sợ một phút quá tay, mái tóc có thể ngắn quá. Rồi họ hít thở thật sâu tự trấn an mình, phía sau, những lọn tóc mong manh rời nhau, nằm gọn trong lòng bàn tay của người đồng nghiệp.
Tôi chợt nhớ về hình ảnh những cô gái năm xưa viết thư xin đi tòng quân, vì sợ không được chấp nhận đã cắt phăng mái tóc của mình đi như chứng minh rằng, phụ nữ cũng mạnh mẽ chẳng kém gì trai tráng, cũng có thể xông pha ra trận. Họ cắt mái tóc đi gửi lại gia đình như gửi lại hình ảnh cô con gái nhu mì, thướt tha mà cha mẹ che chở.
Và nay, trong một trận chiến mới của thời hiện đại, dù tóc ngắn cũng là mẫu mốt với các chị em nhưng sao hình ảnh chiếc kéo lướt qua những bờ vai vẫn khiến tôi chạnh lòng. Tôi thương mái tóc thề, thương những giọt mồ hôi, nước mắt thầm lặng họ giấu chặt trong lòng, bởi người ở tuyến đầu nào ai dám than, đám khóc. Bởi phía sau họ là gia đình, người thân, nếu họ không mạnh mẽ cũng chẳng còn ai bên cạnh.
Cắt đi mái tóc rồi, các chị còn sợ gì nữa đâu. Trận chiến này, chúng tôi còn sợ gì nữa đâu khi có những người như họ, nhỏ bé mà kiên cường!
(Chuyện cảm động sau những pha “xuống tóc” của nữ y bác sĩ Đà Nẵng mùa dịch,
Thùy Trang, Báo Lao động số ra ngày 30/07/2020)
Phong cách ngôn ngữ của văn bản là