Chọn một trong các vấn đề sau để trình bày trước lớp

(1) Vẻ đẹp của nhân vật Đan-kô trong văn bản "Trái tim Đan-kê" của Go-rơ-ki

(2) Giới thiệu truyện ngắn "Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải.

(3) Suy nghĩ về triết lí hạnh phúc trong truyện Tầng hai của Phong Điệp.

a) Chuẩn bị (với vấn đề 1)

- Đọc lại văn bản Trái tim Đan-kô và các tài liệu liên quan đến tác giả, tác phẩm.

- Xem lại dàn ý đã chuẩn bị ở phần Viết

- Chuẩn bị các phương tiện như tranh, ảnh, video,... và máy chiếu, màn hình

b) Tìm ý và lập dàn ý

Xem lại dàn ý dã làm ở phần Viết, cân nhắc yêu cầu của bài nói để tìm ý mới sắp xếp lại các ý cho mạch lạc, phù hợp với nội dung. Bố cục bài nói tương tự bố cục bài viết, gồm ba phần:

Mở đầu

Nêu lí do giới thiệu vẻ đẹp nhân vật Đan-kô.

Nội dung chính

Tóm tắt truyện, nêu và phân tích vẻ đẹp về phẩm chất, tính cách của nhân vật Đan-kô, nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn.

Kết thúc

Đánh giá khái quát vẻ đẹp của hình tượng Đan-kô và đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm.

c. Nói và nghe

Chọn một trong các vấn đề sau để trình bày trước lớp (ảnh 1)

Trả lời

* Bài nói mẫu tham khảo

- Đề 1

Marxim Gorki đã từng nói rằng "Nơi lạnh nhất trên thế giới không phải ở Bắc Cực, mà là nơi thiếu vắng tình yêu thương." Với tình yêu thương làm trọng tâm, tác giả đã sáng tác ra tác phẩm "Bà lão I-dec-ghin". Trong phần kết của truyện, đoạn trích "Trái tim của Đan-kô" đã thể hiện suy nghĩ và triết lý sâu sắc của tác giả về cách sống và tình yêu thương trong cuộc sống. Từ đó, nhân vật Đan-kô được tạo hình rõ nét trong tác phẩm.

Đầu tiên, Đan-kô là một chàng trai can đảm, lạc quan, không chịu khuất phục trước sự nguy hiểm. Bộ tộc đang sợ hãi trước đầm lầy u tối và không dám tiến lên phía trước. Tuy nhiên, Đan-kô lại khuyên họ không nên đứng yên mà cần dũng cảm đi vào rừng tìm đường sống. Cuối cùng, Đan-kô đã thuyết phục được mọi người và trở thành người dẫn đầu, giúp đỡ mọi người tìm nơi ở mới. Quãng đường đến nơi cư ngụ mới đầy nguy hiểm, "Rừng tối om, cứ bước một bước, đầm lầy lại há cái mõm tham lam hôi thối ra nuốt mất người, và cái cây cối sừng sững chặn đường như một bức thành kiên cố. Cành cây quấn quýt lấy nhau; rễ bò lan khắp nơi như đầu rắn, và cứ mỗi bước đi, họ lại phải tốn bao nhiêu mồ hôi và máu". Tuy nhiên, Đan-kô không chùn bước, không đầu hàng. Chỉ vì một chút khó khăn, mọi người đã nản chí, oán trách nhưng Đan-kô vẫn duy trì được sự hăng hái, nhiệt tình và sự lạc quan.

Trong tình cảnh khắc nghiệt, thiên nhiên giận dữ với "cơn giông đánh rừng, cây cối đung đưa rùng rợn", "tia chớp vồ lấy những cành cây, ánh lửa lạnh lẽo soi sáng qua những khoảnh khắc". Đám người hoảng sợ, mất tinh thần và trở thành những con người yếu đuối, nhát gan. Họ tự biến mình thành đám đông giận dữ, phàn nàn và chỉ trích Đan-kô. Nghe những lời chửi mắng, Đan-kô cũng bị kích động, nhưng lòng thương hại đã dập tắt ngọn lửa giận dữ ấy. Anh ta yêu thương mọi người và nghĩ rằng nếu không có anh, có lẽ họ đã không còn tồn tại được. Sự cao thượng và tình yêu thương giúp Đan-kô vượt lên khỏi sự ích kỷ và những hạnh phúc nhỏ bé.

Trong trái tim Đan-kô, ngọn lửa nhiệt thành bùng cháy, cố gắng giải cứu mọi người khỏi hiểm nguy. Những tia lửa mong muốn mãnh liệt của anh lóe sáng trong mắt, anh sẵn sàng hy sinh tính mạng để soi sáng con đường đi của đoàn người. Trái tim anh cháy sáng như mặt trời, làm khu rừng bừng tỉnh dậy dưới ngọn đuốc tình yêu thương vĩ đại, cao cả. Bất chợt, người khác phải cúi đầu, nhường lối cho anh. Cuối cùng, sự hy sinh đó được đền đáp khi đoàn người tìm được nơi trú ẩn, sinh sống an toàn. Những chi tiết ấy chứng tỏ Đan-kô là người có trái tim nhân hậu, đầy lòng bao dung và trắc ẩn đối với con người.

Điểm nhìn khác nhau của người kể thứ ba đã làm nổi bật những phẩm chất anh hùng của Đan-kô. Tính cách của anh được thể hiện rõ ràng qua lời nói và hành động. Trái tim nhiệt huyết và tình yêu thương của Đan-kô đã xua tan bóng tối, trở thành ngọn lửa dẫn đầu, truyền bá những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Anh là hình ảnh đích thực của lòng vị tha. Từ nhân vật này, chúng ta càng nhận ra vai trò và tầm quan trọng của sự can đảm cùng tình yêu thương trong cuộc sống. Tình thương sẽ giúp con người có động lực để giúp đỡ những người xung quanh.

- Đề 2

Trải qua hàng nghìn năm văn hiến, Hà Nội đã trở thành mảnh đất kết tinh bao tinh hoa của đất trời, là nơi hội tụ cảm xúc của biết bao thế hệ văn nghệ sĩ. Vùng đất kinh kỳ dường như hoá thân thành “nhân vật” có tâm hồn trong trong văn thơ, chẳng cần xô bồ hay hối hả, Hà Nội vẫn để lại dấu ấn riêng gây thương nhớ cho những ai đã từng ghé qua. Chẳng lãng mạn như Tô Hoài, Đỗ Phấn, truyện ngắn Một người Hà Nội của Nguyễn Khải đã để lại trong lòng người đọc biết bao cảm xúc dạt dào, vẻ đẹp con người được khắc hoạ thật tinh tế, chân thật, mang đậm màu sắc Hà thành.

Nguyễn Khải sinh ra tại Hà Nội, ông trải qua nhiều bước ngoặc lớn trong cuộc đời mình. Năm 1950, ông bắt đầu sự nghiệp văn chương với những tác phẩm đầu tay: Xây dựng (1950-1951), Xung đột (phần I – 1959, phần II – 1962),… Các tác phẩm viết về đề tài nông thôn: Mùa lạc (1960), Người trở về (1964),… Từ sau năm 1975, các tác phẩm của ông đề cập chủ yếu đến vấn đề chính trị - xã hội mang tính thời sự, đặc biệt là tâm lý, tư tưởng con người trước những biến động của thời cuộc. Các tác phẩm tiêu tiểu của Nguyễn Khải trong giai đoạn này: Cha và con, và… (1979), Thời gian của người (1985) và đặc sắc nhất là truyện ngắn Một người Hà Nội được ông viết năm 1990. Tác phẩm đã khắc hoạ rõ nét vẻ đẹp tính cách và tâm hồn của con người Hà Nội qua biết bao thăng trầm, biến động của đất nước.

Nhan đề Một người Hà Nội được Nguyễn Khải đặt đã làm nổi bật lên hình tượng trung tâm xuyên suốt của tác phẩm chính là “người Hà Nội” mang trong mình vẻ đẹp toàn diện từ ngoại hình, tính cách cho đến tâm hồn. Nhan đề không màu mè, khoa trương cũng đủ gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc, nó như mở ra một không gian nghệ thuật tuyệt mỹ, một mảnh đất Hà thành xinh đẹp, cổ kính, trải qua hàng ngàn năm thăng trầm của lịch sử dân tộc.

Nguyễn Khải xây dựng nhiều tuyến nhân vật đều xuất thân là người Hà thành, tuy nhiên nổi bật là cô Hiền – nhân vật chính trong truyện. Cô xuất thân trong một gia đình giàu có, nế nếp, có nhan sắc, yêu văn chương và có trí thông minh hơn người. Ở nhân vật này, toát lên vẻ đẹp thuần tuý không trộn lẫn, vẻ đẹp của tinh thần và cốt cách thấm sâu từ nền văn hoá vùng đất kinh kỳ, không thể phai nhoà theo năm tháng. Cô Hiền yêu mảnh đất này, nơi cô sinh ra và lớn lên với biết bao hoài niệm, cô vẫn ở lại Hà Nội thân thương mặc cho bom đạn đang đổ xuống nơi đây, chẳng ngại hiểm nguy đang trực chờ cô và gia đình mình vẫn bám trụ chỉ bởi vì “không thể rời xa Hà Nội”.

Người phụ nữ có vẻ đẹp quý phái, đầy lòng kiêu hãnh, sự tự tin vốn có của người Đô thành, cùng với con mắt nhạy bén, sắc sảo dám bộc lộ quan điểm thẳng thắn, dám sống thật với bản thân. Mặc cho xã hội đang dần thay đổi, nếp sống hối hả xô bồ đang ngày càng lan rộng trong nhân dân, cô Hiền vẫn giữ cho cho mình được lối sống đẹp, cách cư xử nhã nhặn, thanh cao đúng chuẩn Hà thành. Quả là một con người thức thời, cô nhanh chóng dung hoà được giá trị vật chất và vẻ đẹp tâm hồn, tuy chẳng còn phải tuổi thiếu nữ đôi mươi nhưng người phụ nữ này vẫn giữ cho mình một tâm hồn yêu nghệ thuật, cô vẫn giữ mối quan hệ với những văn nhân, nghệ sĩ, giữ cho tâm hồn biết yêu và trân trọng vẻ đẹp tinh thần. Gần ba mươi tuổi, cô Hiền mới đi lấy chồng, “đùa vui một thời son trẻ thế là đủ” đã đến lúc làm một người vợ hiền, một người mẹ tốt, cô không chọn “một ông quan nào hết” hay một người văn nghệ sĩ, cô chọn lấy một ông giáo tiểu học “hiền lành, chăm chỉ, khiến cả Hà Nội phải kinh ngạc”. Người phụ nữ này chắc hẳn nổi tiếng cả Hà thành, cô đã có những tính toán cho cuộc đời mình, khi đứng trước ngã rẽ cuộc đời cô lựa chọn một lối đi an toàn nhất nhưng cũng hoàn hảo nhất. Cô Hiền có tất cả, từ gia thế cho tới ngoại hình, trí tuệ, cô biết mình cần gì và muốn gì, quyết định chọn một nhà giáo tri thức lại hiền lành, chăm chỉ sẽ mang lại cho cô một gia đình hạnh phúc trọn vẹn. Khi là người vợ, người mẹ cô tính toán chu toàn cho tương lai của những đứa con mình, đây quả thực là một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, dám nghĩ dám làm, khi đã làm thì không sợ đàm tiếu, thị phi thiên hạ. Bất kể là bản lĩnh hay trí tuệ cô đều có thừa, thật khiến người kinh khâm phục, kính nể bội phần.

Cô Hiền được tác giả miêu tả như “nội tướng”, mọi việc trong gia đình đều do một tay cô thu xếp chu toàn. Cô tài giỏi trong việc kinh tế lẫn quản lý gia đình, đưa cho chồng những lời khuyên đúng đắn kịp thời, mở một cửa hàng hoa giả mang lại thu nhập cho gia đình, cô bán đi một dinh cơ cho người bạn ở kháng chiến về. Chỉ bằng những hành động trên, ta hoàn toàn có thể cảm nhận được cô Hiền là người rất thức thời, và có trí tuệ hơn người. Cô và gia đình sống như một nhà tư sản ở trong một “toà nhà toạ lạc ngay tại một đường phố lớn”, “mùa đông ông mặc áo ba-xờ-xuy, đi giày da, bà mặc áo măng-tô”, “bàn ăn trải khăn trắng, giữa bàn có một lọ hoa”,… Họ vẫn giữ nếp sống Hà thành giữa thời cuộc đổi thay nhưng lại chẳng thấp thỏm lo sợ, cũng chẳng cần để tâm đến lời dị nghị xung quanh bởi vì cô Hiền biết đâu là chuẩn mực, là giới hạn, để giữ cho mình không đủ “tiêu chuẩn” thành tư sản, chẳng cần “bóc lột” ai mọi việc đều tự sức mình mà làm. Cô tự tin khẳng định với những bà bạn của mình “các bà không biết nhưng nhà nước lại rất biết”, câu nói là thể hiện lòng tin tuyệt đối vào chế độ mới, lòng yêu nước mãnh liệt, dạt dào. Trong nuôi dạy con cái, cô là người mẹ mẫu mực, nghiêm khắc, cô dạy các con từ cách ngồi, cách ăn và cả nói chuyện, đi đứng, dạy cho chúng “không được sống tuỳ tiện, buông tuồng”. Cô truyền dạy cho con lối sống, văn hoá người Hà Nội, khắc sâu vào tâm trí chúng lòng yêu nước và trách nhiệm cao cả với Tổ quốc.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, là một người mẹ chứng kiến đứa con mình ra chiến trường bon đạn, đối diện với sinh ly tử biệt, mặc dù lo lắng, đau lòng nhưng cô vẫn để con đi. Cô Hiền là một người mẹ mẫu mực, tôn trọng quyết định của con, sống có lòng tự trọng, cô không muốn Dũng “sống bám vào sự hy sinh của bạn bè”. Ra đi là bảo vệ Tổ quốc, hy sinh cho Tổ quốc không thể có sự ích kỷ, hẹp hòi len lỏi trong tâm trí. Dù đứng ở cương vị nào, cô Hiền vẫn giữ được cốt cách thanh cao, lối cư xử rất đỗi mẫu mực. Nguyễn Khải ví cô như “hạt bụi vàng” là cách ông thể hiện sự yêu quý, trân trọng trước vẻ đẹp trí tuệ và nhân cách của con người Hà Nội.

Nguyễn Khải sáng tạo hình tượng người kể chuyện xuất hiện xuyên suốt chiều dài tác phẩm, theo giọng kể chiêm nghiệm và đầy triết lý của nhân vật vùng đất Hà thành và con người nơi đây hiện lên một cách sinh động, hóm hỉnh và rất chân thật. Tác giả đã rất thành công trong nghệ thuật trần thuật, ông nhìn sự vật, hiện tượng dưới nhiều góc độ và với nhiều cách đánh giá, ngôn ngữ thay đổi linh hoạt, giàu biểu cảm. Các chi tiết nghệ thuật “hạt bụi vàng”, “cây si cổ thụ”,… rất đặc sắc đã góp phần khắc sâu vẻ đẹp con người Hà Nội trong lòng người đọc.

Một người Hà Nội của Nguyễn Khải là truyện ngắn rất đặc sắc và để lại giá trị to lớn cho nề văn học nước nhà. Trong cái nhìn của ông, con người của mảnh đất kinh kỳ hiện lên với vẻ đẹp đậm màu truyền thống, nét đẹp riêng biệt không thể trộn lẫn với bất kỳ nơi đâu. Với sức sống bền bỉ,  lòng yêu mến cái đẹp từ ngàn năm lịch sử, người Hà Nội đang bài trừ những cái xấu xa đang du nhập vào nền văn hoá, người người, nhà nhà vẫn giữ nếp sống thanh cao, kiêu hãnh vốn có của mình.

 - Đề 3

Phong Điệp tên khai sinh là Phan Thị Phong Điệp, sinh năm 1976 quê ở Nam Định. Bà có những đóng góp lớn vào sự phát triển của văn xuôi Việt Nam đương đại. Các tác phẩm của bà mang đậm hơi thở về một cuộc sống chân thực có nhiều điều bình dị. Một trong số đó là tác phẩm “Tầng hai” được in trong tập truyện ngắn “Kẻ dự phần”. Tác phẩm là một câu chuyện kể về lối sống của các thành viên trong một căn nhà cho thuê. Qua đó là những suy nghĩ về triết  lý cuộc sống.

           Mở đầu tác phẩm, tác giả giới thiệu về nhân vật Phan đang thuê trọ trong một căn nhà có một người mẹ và vợ chồng người con. Hàng ngày cô đều lắng nghe và hình dung về cuộc sống của ba người ở trên tầng hai. Cuộc sống của cô cũng như bao người bận rộn khác, sáng đi sớm còn tối về thì bản tin cuối ngày đang phát. Tác giả đã miêu tả về cuộc sống của Phan rất chân thực nhưng cũng rất là cô đơn. Lúc nào trước khi đi ngủ trong đầu cũng chỉ là những lập trình sẵn về công việc và những việc mình phải làm vào ngày mai. Và một cô gái có cuộc sống chỉ xoay quanh công việc lại nghĩ đến việc theo dõi cuộc sống của những người ở tầng trên. Phan lắng nghe được rất nhiều những âm thanh mà thật trái ngược với sự tĩnh lặng trong căn phòng của cô. Tiếng người con dâu khóc vì người người chồng đi làm về muộn, rồi người mẹ lại dỗ dành người con dâu. Đây là những khung cảnh mà ta thường thấy của những cặp vợ chồng. Đối với Phan buổi tối trước khi đi ngủ là lắng nghe những âm thanh ở tầng trên, rồi nghe những âm thanh của tiếng nước chảy rồi chìm vào giấc ngủ. Những ý nghĩ rằng mình phải bám trụ ở đây, không được từ bỏ và cô nghĩ như thế mới là hạnh phúc. 

Tác giả đã rất tinh tế và khéo léo, khi đã lồng ghép miêu tả về cuộc sống đối lập giữa cuộc sống của Phan và cuộc sống của gia đình trên tầng hai. Người mẹ hiện lên là một người rất hiền từ, luôn động viên và bảo vệ người con dâu của mình. Người con dâu thì như một cô vợ nhỏ, lúc thì giận dỗi chồng, lúc thì lại yêu thương cười nói nhưng cô rất là quan tâm mẹ của mình. Còn người chồng thì hiện lên không phải là người chồng quá mẫu mực nhưng vẫn rất yêu thương mẹ và vợ. Khung cảnh gia đình ba người rất bình thường như bao gia đình khác, nhưng người đọc có thể cảm nhận được cái bình dị, cái quan tâm của các thành viên trong gia đình dành cho nhau. Chính vì điều đó đã tạo nên một thói quen khiến Phan quan sát lắng nghe những âm thanh của tầng trên. Khi gia đình đón thành viên mới, có lẽ đây là khoảnh khắc hạnh phúc nhất của gia đình. Người đọc có thể cảm nhận được tình cảm và sự vui mừng của các thành viên dành cho nhau. Lúc này Phan lại càng có suy nghĩ thôi thúc muốn nhìn khung cảnh sống ở trên tầng. Chính lúc này Phan lại nhận ra rằng, hình như mình đang đi tìm kiếm hạnh phúc ở đâu xa, mà quên mất rằng hạnh phúc của mình ở trong chính gia đình mà mình vẫn thường không quan tâm đến.

          Một bức tranh gia đình đơn giản, ấm áp đã được Phong Điệp miêu tả rất sâu sắc trong tác phẩm “Tầng hai”. Từ đó thấy được những triết lý về cuộc sống rằng hạnh phúc không phải cái gì lớn lao, mà nó ở ngay bên cạnh chúng ta.

d. Kiểm tra và chỉnh sửa

Chọn một trong các vấn đề sau để trình bày trước lớp (ảnh 2)

Câu hỏi cùng chủ đề

Xem tất cả