Block nhánh phải: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Block nhánh phải (RBBB) là tình trạng bất thường có thể được nhìn thấy trên điện tâm đồ (ECG), cho thấy xung điện của tim không được dẫn truyền bình thường qua tâm thất. Cụ thể, block nhánh phải có nghĩa là xung điện dẫn truyền bị gián đoạn khi qua tâm thất phải.


Video: Block nhánh phải là gì và triệu chứng hay gặp.

Nguyên nhân của block nhánh phải

Hai nhánh phải và trái là đường dẫn điện cho phép xung điện tim lan truyền nhanh và đều qua cả hai tâm thất để nhịp đập của tim được phối hợp nhịp nhàng.

Với block nhánh phải, có sự gián đoạn một phần hoặc hoàn toàn xung điện đến tâm thất phải, trong khi phía bên trái vẫn bình thường, khiến hai bên trái phải của tim co bóp không đồng thời. 

Tương tự như block nhánh trái (LBBB), trong đó sự dẫn truyền xung điện của tâm thất trái bị gián đoạn, block nhánh phải ảnh hưởng đến mức độ hiệu quả bơm máu của tim. Vì phần bên phải của tim bơm máu đến phổi thay vì toàn bộ cơ thể nên block nhánh phải có nguy cơ tử vong thấp hơn block nhánh trái. 

Block nhánh phải đôi khi liên quan đến một tình trạng bệnh lý ở tim hoặc phổi. Khi được chẩn đoán là block nhánh phải, bệnh nhân thường được khám sức khoẻ toàn thân để phát hiện và điều trị làm giảm nguy cơ tim mạch.

Chẩn đoán block nhánh phải

Chẩn đoán block nhánh phải nhờ điện tâm đồ  (Nguồn ảnh: healthline)

Chẩn đoán block nhánh phải nhờ điện tâm đồ

Block nhánh phải gây ra sự thay đổi đặc trưng trên điện tâm đồ (ECG), vì vậy các bác sĩ thường có thể dễ dàng chẩn đoán bệnh này chỉ bằng đánh giá kết quả ECG.

Trong block nhánh, phức bộ QRS trong điện tâm đồ - đại diện cho xung điện dẫn truyền qua tâm thất - rộng hơn bình thường, vì mất nhiều thời gian hơn bình thường để dẫn truyền xung động.

Trong block nhánh phải, trên ECG có thể nhận thấy đặc trưng mà sự mở rộng này diễn ra trên 12 chuyển đạo. Vì vậy, thường dễ dàng xác định sự hiện diện của block nhánh phải bằng cách chỉ cần lưu ý đến sự mở rộng của phức bộ QRS.

Đôi khi, block nhánh phải là một phần của hội chứng Brugada. Nếu điện tâm đồ ở một người trẻ tuổi cho thấy hình ảnh gợi ý block nhánh phải kèm theo sự chênh lên của các đoạn ST ở chuyển đạo V1 và V2, đặc biệt nếu có tiền sử ngất hoặc choáng không rõ nguyên nhân, thì khả năng cao là hội chứng Brugada.

Phân loại block nhánh phải

Tỷ lệ block nhánh phải tăng dần theo tuổi. Nó xảy ra ở những người trên 65 tuổi gấp đôi so với những người trên 40 tuổi và phổ biến hơn ở nam giới.

Block nhánh phải thường gặp hơn block nhánh trái và có thể ít nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, block nhánh phải cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn và cuối cùng cần đặt máy tạo nhịp tim.

Block nhánh phải được chia thành hai loại là block hoàn toàn và không hoàn toàn. Trong đó, block nhánh phải không hoàn toàn có nghĩa là các xung điện đang được dẫn truyền tốt hơn block nhánh phải hoàn toàn.

Vì block nhánh phải không hoàn toàn đôi khi có thể tiến triển thành block hoàn toàn, nên bệnh nhân cần được theo dõi. 

Nguy cơ tiềm ẩn mắc bệnh tim và phổi

Block nhánh phải thường sẽ xảy ra với bất kỳ nguyên nhân nào gây ảnh hưởng đến tâm thất phải. Các nguyên nhân này có thể bao gồm:

  • Bệnh động mạch vành (CAD)
  • Viêm cơ tim 
  • Thông liên nhĩ
  • Thông liên thất
  • Bệnh hở van tim

Block nhánh phải cũng có thể xảy ra với bất kỳ nguyên nhân nào làm tăng áp lực trong tâm thất phải. Nguyên nhân phổ biến nhất là do thuyên tắc phổi, nhưng các nguyên nhân từ phổi gây tăng áp lực trong tâm thất phải mạn tính cũng rất đáng quan tâm. Ví dụ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có thể gây tăng áp động mạch phổi và dẫn đến block nhánh phải.

Bất kỳ ai được phát hiện có block nhánh phải cần được đánh giá tập trung vào các dấu hiệu của bệnh tim hoặc phổi bằng chụp X-quang phổi và siêu âm tim.

Bởi vì bó nhánh phải nhạy cảm với bất cứ nguyên nhân gì gây tổn thương dù là rất nhỏ trong tâm thất phải, đôi khi xảy ra tình trạng block nhánh phải thoáng qua ở những bệnh nhân được đặt ống thông tim. Trường hợp này xảy ra khi ống thông gây kích thích nhánh bó bên phải và thường hết nhanh chóng (trong vòng vài phút) sau khi ống thông được rút ra.

Tuy nhiên, ở những người đã có block nhánh trái, block nhánh phải thoáng qua cũng có thể tạo ra block nhánh hoàn toàn và tim có thể ngừng đập. Do đó, những người đặt ống thông tim bên phải đôi khi được đặt một máy tạo nhịp tim tạm thời trong quá trình làm thủ thuật để đảm bảo rằng nhịp tim sẽ không bị gián đoạn.

Hiệu quả của co bóp nhịp tim 

Với block nhánh phải hoặc trái, hai tâm thất của tim đang được dẫn truyền xung điện theo trình tự lần lượt thay vì đồng thời. Sự mất phối hợp nhịp nhàng này giữa hai tâm thất có thể làm giảm hiệu quả co bóp của nhịp tim.

Tuy nhiên, cơ chế giảm hiệu quả của co bóp tim ít quan trọng hơn trong block nhánh phải. Vì vậy, việc sử dụng liệu pháp tái đồng bộ tim (CRT) có thể không hữu ích ở những người bị block nhánh phải, ngay cả khi họ bị suy tim.

Chỉ định đặt máy tạo nhịp tim 

Block nhánh phải không cần điều trị bằng máy tạo nhịp tim vĩnh viễn. Tuy nhiên, ở một số người, block nhánh phải chỉ là một biểu hiện của bệnh lý với hệ thống dẫn truyền xung điện của tim. Trong những trường hợp như vậy, có thể cần phải đặt máy tạo nhịp tim nếu bệnh tim tiến triển nghiêm trọng. 

Tổng kết

Block nhánh phải, ngay cả ở những người không có vấn đề gì về tim, cho thấy nguy cơ tim mạch tăng lên. Bất kỳ ai được phát hiện mắc bệnh này nên được đánh giá sàng lọc để loại trừ bệnh tim hoặc phổi tiềm ẩn và giảm thiểu các yếu tố nguy cơ tim mạch có thể kiểm soát. 

Block nhánh phải đặc biệt nghiêm trọng ở những người đã bị suy tim hoặc tiền sử nhồi máu cơ tim.

Xem Thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!