Bệnh lao ruột: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng bệnh

Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây ra. Tại Việt Nam, bệnh lao vẫn còn là một vấn đề y tế đáng quan tâm vì tỉ lệ lây truyền, tính chất phức tạp của bệnh, đã được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia mở rộng. Bệnh lao có thể gặp tại nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó lao ruột là một bệnh cảnh có thể gặp. Bệnh lao ruột thường khó chẩn đoán hơn do có nhiều triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa thường gặp, nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng. Bài viết sau đây cung cấp cho bạn thông tin cần biết về lao ruột, một trong những dạng bệnh có thể gặp do vi khuẩn lao.

Video Thông tin về bệnh lao ruột

Lao ruột là gì?

Vi khuẩn lao Mycobacterium Tuberculosis là nguyên nhân gây lao ruột. Nguồn: The Great Course DailyVi khuẩn lao Mycobacterium Tuberculosis là nguyên nhân gây lao ruột. Nguồn: The Great Course DailyBệnh lao ruột là một thể bệnh lao ngoài phổi, do trực khuẩn lao gây nên tình trạng nhiễm khuẩn đường tiêu hóa đặc hiệu.

Căn nguyên vi khuẩn là Mycobacterium tuberculosis, gây ra lao ruột thứ phát hoặc nguyên phát, nhưng chủ yếu là thứ phát. Vi khuẩn lao từ cơ quan khác di bệnh theo đường máu tới ruột và khu trú tại ruột, hoặc có thể là do người bệnh nuốt đờm có chứa vi khuẩn lao.

Căn nguyên hiếm gặp hơn là vi khuẩn lao bò, qua thực phẩm trung gian là sữa bò chưa được đảm bảo tiệt trùng, xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa và khu trú tại ruột.

Ngoài ra, vi khuẩn lao không điển hình cũng có thể là căn nguyên gây bệnh.

Các biểu hiện của lao ruột

Lao ruột khi phân tích giải phẫu bệnh mô tổn thương. Nguồn: ilovepathologyLao ruột khi phân tích giải phẫu bệnh mô tổn thương. Nguồn: ilovepathology

 Các biểu hiện của bệnh lao ruột thường không đặc hiệu và giống với các bệnh tiêu hóa thông thường, nên người bệnh ít khi đến khám ở giai đoạn đầu. Trong lao ruột thứ phát, bên cạnh các dấu hiệu của lao tại cơ quan ban đầu như lao phổi, lao hạch, lao màng não, lao tiết niệu, người bệnh sẽ có các biểu hiện tại đường tiêu hóa như:

  • Buồn nôn, nôn
  • Đau bụng mơ hồ, đau bụng khu trú hoặc đau khắp bụng, thường đau nhiều hơn ở hố chậu phải.
  • Đường ruột bị tắc nghẽn do hẹp do u lao gây nên tình trạng đau bụng từng cơn, bí trung đại tiện, bụng chướng hơi.
  • Rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy kéo dài, có thể kèm theo phân có máu, táo bón hoặc cả hai. Triệu chứng tiêu chảy xuất hiện nhiều hơn khi bệnh nhân bị loét.

Ngoài ra còn có các triệu chứng  toàn thân; Mệt mỏi, suy kiệt, sốt về chiều, gầy sút cân, đổ mồ hôi đêm, suy nhược,...

Lao ruột, nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng như tắc ruột, có khối u giống u đại tràng, thủng ruột, viêm phúc mạc, xuất huyết tiêu hóa nặng và hội chứng kém hấp thu, dẫn đến suy kiệt và tử vong.

Khi thấy có các triệu chứng bất thường nghi ngờ bệnh lao ruột, bệnh nhân cần đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm

Các xét nghiệm, thăm dò và chẩn đoán hình ảnh cần làm

Tùy vào triệu chứng, các bác sĩ có thể chỉ định:

  • Xét nghiệm máu: Máu lắng tăng, CRP có thể tăng
  • Xét nghiệm dịch ổ bụng, dịch dạ dày, đờm, dịch các màng: Có thể phát hiện sự có mặt của vi khuẩn lao qua nuôi cấy dịch, soi tươi, PCR lao
  • Các xét nghiệm siêu âm ổ bụng, XQ bụng không chuẩn bị, CT ổ bụng: Hình ảnh tắc ruột, bán rắc ruột, khối u ổ bụng, hạch ổ bụng, bụng chướng hơi, quai ruột giãn, có thể phát hiện các dấu hiệu của biến chứng thủng ruột và viêm phúc mạc
  • Nội soi tiêu hóa: Là thăm dò trong đó bác sĩ nội soi đưa một đầu ống mềm có gắn camera qua hậu môn đưa lên trên (nội soi đại tràng), hoặc qua miệng vào thực quản dạ dày (nội soi dạ dày, tá tràng). 

Phương pháp này giúp bác sĩ quan sát được triệu chứng thực thể, chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị tốt nhất:

  • Các hạt lao như­ những hạt kê màu trắng rải rác trên niêm mạc.
  • Những ổ loét nông, bờ mỏng, màu tím bầm, có thể có chảy máu ở bờ hoặc đáy ổ loét.
  • Hoặc một khối u, mặt không đều, thâm nhiễm hết vùng manh tràng (thư­ờng làm hẹp nhiều ở lòng manh tràng, không thể đ­ưa ống soi qua được).

Điều trị bệnh lao ruột

Tùy vào bệnh cảnh, bác sĩ sẽ đưa ra các điều trị cụ thể. Đối với các ca bệnh đã có biến chứng như tắc ruột, thủng ruột, viêm phúc mạc, bác sĩ sẽ chỉ định mổ cấp cứu vì đây là cấp cứu ngoại khoa. Bệnh phẩm phẫu thuật sẽ được đem đi phân tích làm xét nghiệm vi sinh và mô bệnh học. Các trường hợp lao ruột đều cần điều trị nội khoa theo phác đồ điều trị lao ngoài phổi, có thể kéo dài đến 12 tháng.

Đối với điều trị nội khoa theo phác đồ của Bộ y tế, người bệnh lao cần tuân thủ đúng các nguyên tắc sau đây:

  • Phối hợp các thuốc chống lao: Mỗi loại thuốc chống lao có tác dụng khác nhau trên vi khuẩn lao (diệt khuẩn, kìm khuẩn, môi trường vi khuẩn), do vậy phải phối hợp các thuốc chống lao. 
  • Phải dùng thuốc đúng liều: Các thuốc chống lao tác dụng hợp đồng, mỗi thuốc có một nồng độ tác dụng nhất định. Nếu dùng liều thấp sẽ không hiệu quả và dễ tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc, nếu dùng liều cao dễ gây tai biến. Đối với lao trẻ em cần được điều chỉnh liều thuốc hàng tháng theo cân nặng.
  • Phải dùng thuốc đều đặn - Các thuốc chống lao phải được uống cùng một lần vào thời gian nhất định trong ngày và xa bữa ăn để đạt hấp thu thuốc tối đa.
  • Dùng thuốc đủ thời gian để tránh kháng thuốc và theo 2 giai đoạn: Tấn công và duy trì. Giai đoạn tấn công kéo dài 2, 3 tháng nhằm tiêu diệt nhanh số lượng lớn vi khuẩn có trong các vùng tổn thương để ngăn chặn các vi khuẩn lao đột biến kháng thuốc. Giai đoạn duy trì kéo dài 4 đến 6 tháng nhằm tiêu diệt triệt để các vi khuẩn lao trong vùng tổn thương để tránh tái phát

Phòng bệnh bệnh lao ruột

Đối với người đang mắc bệnh lao, việc điều trị bệnh lao theo đúng, đủ phác đồ chính là một trong những cách phòng bệnh lao, phòng biến chứng cho bản thân và phòng lây nhiễm cho mọi người. 

Ngoài ra, các biện pháp sau luôn được khuyến khích

  • Giữ vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt
  • Không sử dụng sữa bò tươi chưa qua xử lý.
  • Tránh tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm, đặc biệt là môi trường có chứa silic, đây là loại bụi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phổi.
  • Khi sử dụng các thuốc làm suy giảm miễn dịch như corticoid cần phải theo dõi thường xuyên tình trạng miễn dịch của cơ thể.
  • Khi có các nghi ngờ mắc bệnh, phải đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để bệnh trở nặng, gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!