Video: Cách chữa Bệnh lao kê | Sức khỏe 365.
Bệnh lao kê là gì?
Lao kê là thể lao lan toả toàn thân, biểu hiện rõ nhất ở phổi, có thể tổn thương ở nhiều cơ quan khác như màng não, mắt, gan, tuỷ xương,…Bệnh hay xảy ra ở trẻ em, người nhiễm HIV hay bị suy giảm miễn dịch. Lao kê là một dạng nhiễm trùng máu do vi khuẩn lao, do đó ổ di bệnh có thể nhiều nơi trên cơ thể
Sở dĩ gọi là lao kê vì các nốt tổn thương do lao là những đám nhỏ có kích thước từ 1 đến 5mm, thường gặp trên XQ phổi có dạng đám mờ nhỏ với tính chất 3 đều: Kích thước đều, phân bố đều, độ cản quang đều nhau, nốt mờ nhỏ giống như hạt kê lan tỏa cả hai phế trường.
Đây là nhiễm trùng toàn thân do đó các tổn thương được tìm thấy ở nhiều cơ quan quan trọng, và vì vậy đây là dạng nhiễm trùng nặng, có thể gây nhiều biến chứng, tỉ lệ tử vong cao.
Nguyên nhân gây bệnh
Căn nguyên gây bệnh là vi khuẩn lao, có tên khoa học là Mycobacterium tuberculosis, còn được gọi là trực khuẩn BK (Bacille de Koch).
Từ những tổn thương ở phổi hoặc ngoài phổi, vi khuẩn lao vào đại tuần hoàn đi khắp cơ thể gây bệnh (hạch, não, màng não, tiết niệu...). Khi bị nhiễm lao, đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào được kích hoạt. Vùng bị nhiễm bệnh được bao quanh bởi đại thực bào và hình thành các u hạt là biểu hiện điển hình của bệnh lao kê. Sau khi Mycobacterium tuberculosis vào cơ thể, bệnh sẽ diễn biến qua 2 giai đoạn là nhiễm lao rồi đến bệnh lao phụ thuộc vào mức độ nhiễm nhiều hay ít (lượng Mycobacterium tuberculosis) và sức đề kháng của cơ thể. Bệnh xuất hiện khi cơ thể bị suy yếu như suy dinh dưỡng, viêm phổi, đái tháo đường, nhiễm HIV/AIDS, ... Lao kê thường gặp ở trẻ em, ít khi gặp ở người lớn.
Các dấu hiệu thường gặp
Trong lao kê, vi khuẩn lan tỏa theo đường máu đi khắp nơi trong cơ thể, gây tổn thương đa cơ quan gây nên biểu hiện phong phú và diến biễn thường nặng trên lâm sàng. Các triệu chứng cơ năng và toàn thân thường rầm rộ: Sốt cao, mệt nhiều, khó thở, trẻ bỏ bú,…Các triệu chứng khác theo nhóm cơ quan có thể gặp như:
- Tổn thương phổi: Sốt, ho, khạc đờm, khó thở, tím đầu chi, trẻ nhỏ có rút lõm lồng ngực
- Tổn thương thần kinh: Trẻ nôn vọt, gáy cứng, rối loạn tri giác, bỏ bú, quấy khóc, lơ mơ. Có khoảng 20-40 % trẻ mắc lao kê có lao màng não. Tỉ lệ này ở người lớn là 10-30%
- Tổn thương mắt: Viêm da mi, viêm kết mạc, viêm dây thần kinh thị giác, viêm võng mạc do lao,.. Triệu chứng phong phú, nhưng trường hợp nặng có tổn thương đáy mắt, tổn thương thần kinh dẫn đến mù lòa. Bệnh lao vùng mắt hiếm gặp và khó chẩn đoán
- Nổi hạch, gan to, lách to
- Rối loạn tiêu hóa, thường là tiêu chảy
- Tổn thương da do lao
Các xét nghiệm và thăm dò cần làm
Tùy thuộc vào tình trạng lâm sàng, bác sĩ chuyên khoa lao và truyền nhiễm sẽ chỉ định các xét nghiệm và thăm dò cần thiết:
- X quang/ CT phổi có nhiều nốt mờ đặc hiệu với tính chất 3 đều: kích thước, mật độ, đậm độ cản quang, phân bố khắp 2 trường phổi.
- Xét nghiệm đờm thường âm tính.
- Ngoài ra xét nghiệm vi khuẩn (nuôi cấy máu, PCR lao) trong các mẫu bệnh phẩm (dịch phế quản, dịch não tủy, máu) có thể dương
- CT/MRI não, sọ não
- Nội soi phế quản
- Soi đáy mắt
- Nội soi hệ tiết niệu / MRI ổ bụng/tiết niệu
Điều trị
Khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào, người bệnh cần đi khám ngay tại cơ sở y tế đa khoa hoặc chuyên khoa truyền nhiễm. Việc điều trị lao kê sẽ theo phác đồ điều trị lao do Bộ y tế quy định, và thời gian điều trị ban đầu người bệnh sẽ được theo dõi tại bệnh viện.
Người bệnh điều trị lao cần tuân thủ tốt mọi hướng dẫn của nhân viên y tế, thực hiện đầy đủ 4 nguyên tắc sau đây:
- Điều trị đủ thuốc theo phác đồ, có sự phối hợp nhiều thuốc trong từng giai đoạn
- Tuân thủ đủ thời gian điều trị, trong đó chia hai giai đoạn: Tấn công và duy trì. Giai đoạn tấn công nhằm tiêu diệt nhanh số lượng lớn vi khuẩn, không cho vi khuẩn nhân lên. Giai đoạn duy trì giúp chắc chắn diệt hết vi khuẩn còn lại, tránh kháng thuốc
- Dùng thuốc đúng liều
- Dùng thuốc đều đặn: Uống thuốc vào khung giờ cố định trong ngày, uống cùng lúc các loại thuốc một lần, uống xa bữa ăn để hấp thu thuốc tốt.
Ngoài việc điều trị thuốc lao đặc hiệu, người bệnh lao kê có thể cần kết hợp điều trị chuyên khoa với các biến chứng khác có thể gặp do lao.
Phòng bệnh
Thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh lao nói chung:
- Tiêm chủng vắc xin BCG phòng lao: Đây là vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng quốc gia mở rộng ở nước ta, được tiêm cho trẻ sơ sinh ngay trong tháng đầu sau sinh. Khả năng bảo vệ của BCG giảm dần theo thời gian, vì vậy có thể tiêm nhắc lại ở lứa tuổi học cấp I hoặc cấp II. Người bệnh vẫn có thể bị mắc bệnh lao ngay cả khi đã tiêm vắc xin BCG, tuy nhiên việc tiêm phòng sẽ hạn chế được những thể bệnh lao nặng.
- Ngăn ngừa việc tiếp xúc với bệnh nhân mắc lao: nên tránh tiếp xúc quá gần và quá lâu với bệnh nhân lao ở môi trường đông đúc (ví dụ: bệnh viện, phòng khám hay nhà tình thương).
- Phòng bệnh lao bằng thuốc: người bị nhiễm vi khuẩn lao thể ẩn và nằm trong nhóm nguy cơ cao (người nhiễm HIV, người suy giảm miễn dịch, trẻ nhỏ suy dinh dưỡng tiếp xúc gần với người nhiễm lao,…) có thể được chỉ định uống thuốc Isoniazid để ngăn ngừa tiến triển thành bệnh lao
- Không để trẻ suy dinh dưỡng hoặc bị các bệnh mãn tính, nếu có thì cần điều trị kịp thời.
- Giữ nhà ở thông thoáng, vệ sinh thân thể và răng miệng thường xuyên.
Xem thêm: