Video Bại não là gì
Các dấu hiệu và triệu chứng thường xuất hiện trong những năm đầu sau sinh hoặc khi trẻ đi mẫu giáo. Nói chung, bại não gây ra suy giảm vận động liên quan đến phản xạ quá mức, mềm hoặc co cứng cơ ở tay chân hoặc toàn thân, dẫn đến tư thế bất thường, cử động không tự chủ, đi đứng không vững hoặc kết hợp các dấu hiệu trên.
Những người bị bại não có thể gặp khó khăn khi nuốt và thường bị mất cân bằng cơ vận nhãn, gây khó khăn trong việc tập trung nhìn vào một điểm. Họ cũng có thể bị giảm phạm vi cử động ở các khớp do cứng cơ.
Nguyên nhân và biểu hiện của bại não ở từng bệnh nhân là khác nhau. Một số người bị bại não có thể đi bộ nhưng có người lại cần hỗ trợ. Một số người bị thiểu năng trí tuệ, nhưng một số người khác thì không. Bệnh nhân bị bại não cũng có thể bị động kinh, mù hoặc điếc. Bại não để lại di chứng suốt đời và không có cách điều trị, nhưng có nhiều phương pháp có thể giúp cải thiện hoạt động chức năng.
Triệu chứng bại não
Bại não có thể biểu hiện ra các triệu chứng khác nhau ở mỗi người. Nó có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể hoặc chỉ giới hạn ở các chi, hoặc một bên của cơ thể. Nói chung, dấu hiệu và triệu chứng của bại não bao gồm các vấn đề về vận động và phối hợp động tác, phát âm và ăn uống, phát triển và các vấn đề khác.
Vận động và phối hợp động tác
- Cứng cơ và phản xạ quá mức (co cứng): Đây rối loạn vận động phổ biến nhất.
- Các biến đổi về trương lực cơ, chẳng hạn như cơ quá cứng hoặc quá mềm.
- Duỗi cứng chân trong phản xạ duỗi chéo và phản xạ nâng đỡ.
- Mất thăng bằng và phối hợp động tác
- Run hoặc giật đối với các cử động không chủ ý
- Cử động chậm chạp
- Ưu tiên cử động một bên của cơ thể, chẳng hạn như chỉ với một tay hoặc kéo một chân khi bò.
- Khó khăn khi đi, chẳng hạn như đi kiễng chân, dáng đi khom người, dáng đi cái kéo với đùi khép lại và hai chân bắt chéo, dáng đi rộng hoặc bước đi không đối xứng.
- Gặp khó khăn trong việc thực hiện các kỹ năng vận động phối hợp, chẳng hạn như cài cúc quần áo hoặc nhặt đồ dùng.
Ăn uống và phát âm
- Chậm nói
- Khó phát âm
- Khó khăn khi bú, nhai hoặc ăn
- Chảy nhiều nước dãi hoặc khó nuốt
Chậm phát triển
- Chậm đạt các mốc kỹ năng vận động, chẳng hạn như ngồi dậy hoặc bò.
- Khó khăn trong học tập
- Thiểu năng trí tuệ
- Tăng trưởng chậm, dẫn đến thấp còi
Các vấn đề khác
Tổn thương não còn có thể dẫn đến các vấn đề thần kinh khác, chẳng hạn như:
- Co giật (động kinh)
- Nghe kém
- Các vấn đề về thị lực và chuyển động mắt
- Cảm giác đau hoặc rối loạn xúc giác
- Các vấn đề về bài tiết và tiêu hóa, bao gồm táo bón và tiểu không tự chủ.
- Tình trạng sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như rối loạn cảm xúc và các vấn đề về hành vi.
Tổn thương não ở những bệnh nhân bại não không thay đổi theo thời gian, vì vậy các triệu chứng thường không xấu đi theo tuổi tác. Tuy nhiên, khi trẻ lớn hơn, một số triệu chứng có thể trở nên rõ ràng hơn hoặc biểu hiện nhẹ hơn. Và tình trạng co cơ và cứng cơ có thể trở nên trầm trọng hơn nếu không được điều trị kịp thời.
Khi nào nên đi khám bác sĩ
Điều quan trọng nhất là phải chẩn đoán và điều trị kịp thời nếu trẻ có những rối loạn vận động hoặc chậm chậm phát triển. Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn lo lắng khi thấy trẻ gặp các vấn đề về nhận thức hoặc vận động hay trương lực cơ bất thường, giảm khả năng phối hợp các động tác, khó nuốt, rối loạn chuyển động mắt hoặc các vấn đề phát triển khác.
Nguyên nhân bại não
Nguyên nhân của bại não là do não phát triển bất thường hoặc trong quá trình phát triển não bị tổn thương. Điều này thường xảy ra trước khi đứa trẻ ra đời, nhưng cũng có thể xảy ra khi sinh hoặc trong giai đoạn sơ sinh. Trong nhiều trường hợp không thể xác định nguyên nhân. Có nhiều yếu tố có thể dẫn đến các vấn đề về phát triển não bộ như:
- Đột biến gen dẫn đến rối loạn di truyền hoặc các vấn đề trong sự phát triển não bộ.
- Nhiễm trùng ở mẹ ảnh hưởng đến thai nhi đang phát triển.
- Đột quỵ ở thai nhi do sự gián đoạn cấp máu cho não bộ đang phát triển.
- Chảy máu não khi còn trong bụng mẹ hoặc trong giai đoạn sơ sinh.
- Nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh gây viêm não hoặc viêm màng não.
- Chấn thương đầu ở trẻ sơ sinh, chẳng hạn như do tai nạn xe, ngã hoặc bạo hành thể chất.
- Thiếu oxy lên não có liên quan đến chuyển dạ hoặc khó sinh, mặc dù ngạt khi sinh là nguyên nhân ít phổ biến dẫn đến bại não.
Các yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố có liên quan đến việc tăng nguy cơ bại não.
Sức khỏe của mẹ
Một số bệnh nhiễm trùng hoặc tiếp xúc với chất độc trong thai kỳ có thể làm tăng đáng kể nguy cơ bại não cho em bé. Tình trạng viêm hoặc sốt do nhiễm trùng có thể gây tổn thương đến bộ não đang phát triển của thai nhi.
- Cytomegalovirus: Loại virus phổ biến này gây ra các triệu chứng giống như bệnh cúm và có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh nếu người mẹ bị nhiễm trùng lần đầu tiên trong thai kỳ.
- Bệnh sởi (Rubella): Bệnh này có thể ngăn ngừa bằng cách tiêm vaccine.
- Herpes: Bệnh do virus này có thể truyền từ mẹ sang con khi mang thai, ảnh hưởng đến tử cung và nhau thai.
- Bệnh giang mai: Đây là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục.
- Toxoplasmosis: Bệnh này do một loại ký sinh trùng có trong thức ăn bị ô nhiễm, đất và phân của mèo bị nhiễm bệnh.
- Nhiễm virus Zika: Nhiễm trùng này lây lan qua vết muỗi đốt và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của thai nhi.
- Nhiễm trùng trong tử cung: Bao gồm nhiễm trùng nhau thai hoặc màng nuôi thai.
- Phơi nhiễm độc tố: Ví dụ như tiếp xúc với metyl thủy ngân.
- Các điều kiện khác: Các vấn đề sức khỏe của mẹ như bệnh lý tuyến giáp, tiền sản giật, động kinh,... có thể làm tăng nhẹ nguy cơ bại não ở trẻ.
Bệnh lý ở trẻ sơ sinh
Một số bệnh ở trẻ sơ sinh có thể làm tăng nguy cơ bại não:
- Viêm màng não do vi khuẩn: Viêm nhiễm của màng não và khoang dưới nhện gây ra bởi vi khuẩn.
- Viêm màng não do virus: Tương tự, nhiễm virus cũng gây viêm màng não (tổ chức bao quanh não và tủy sống).
- Vàng da nặng hoặc không được điều trị: Vàng da biểu hiện bằng củng mạc mắt và da của bé có màu vàng. Tình trạng này xảy ra khi một số sản phẩm phụ của các tế bào máu "đã qua sử dụng" không được lọc khỏi máu.
- Tắc mạch máu não: Tình trạng này thường xảy ra do em bé bị đột quỵ khi còn trong bụng mẹ hoặc ở giai đoạn sơ sinh.
Yếu tố liên quan đến mang thai và sinh con
Các yếu tố này thường không ảnh hưởng quá nhiều nhưng vẫn góp phần làm tăng nguy cơ bại não ở trẻ:
- Trẻ sơ sinh nhẹ cân: Trẻ sơ sinh có trọng lượng dưới 2.5kg có nguy cơ mắc bệnh bại não cao hơn. Nguy cơ này tăng lên khi cân nặng của trẻ mới sinh giảm xuống.
- Đa thai: Nguy cơ bại não tăng lên khi mẹ mang đa thai. Mang đa thai cũng liên quan đến khả năng sinh non và trẻ sơ sinh nhẹ cân. Nếu có bé bị tử vong khi sinh, nguy cơ bé còn lại mắc bại não tăng lên.
- Sinh non: Trẻ sinh non có nguy cơ bị bại não cao hơn. Trẻ sinh ra càng sớm, nguy cơ bại não càng cao.
- Các biến chứng khi sinh: Các vấn đề trong quá trình chuyển dạ và sinh con có thể làm tăng nguy cơ bại não.
Yếu cơ, cơ co cứng và các vấn đề về phối hợp khác có thể góp phần gây ra một số biến chứng đối với trẻ trong thời thơ ấu hoặc khi trưởng thành, bao gồm:
- Co cứng: Co cứng là tình trạng mô cơ ngắn lại do cơ bị co lại đột ngột và không chủ ý. Chứng co cứng có thể ức chế sự phát triển của xương, khiến xương bị uốn cong và dẫn đến biến dạng khớp, trật khớp hoặc bán trật khớp. Trật khớp có thể gặp ở khớp hông, vẹo cột sống và các dị tật khác.
- Suy dinh dưỡng: Các vấn đề về nuốt hoặc bú có thể khiến bệnh nhân bại não, đặc biệt là trẻ sơ sinh, khó nhận đủ dinh dưỡng. Điều này có thể làm giảm sự phát triển và dẫn đến còi xương. Một số bệnh nhân còn cần ăn qua sonde để đảm bảo có đủ chất dinh dưỡng.
- Tình trạng sức khỏe tâm thần: Những người bị bại não có thể gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm. Sự cô lập với xã hội và những thách thức trong việc đương đầu với bệnh tật đã góp phần gây ra bệnh trầm cảm. Từ đó có thể dẫn đến các vấn đề về hành vi.
- Bệnh lý tim mạch và hô hấp: Những người bị bại não có thể mắc bệnh tim, bệnh phổi và rối loạn hô hấp. Các vấn đề về nuốt có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp, chẳng hạn như viêm phổi do hít phải.
- Bệnh xương khớp: Co cứng cơ gây áp lực lên xương khớp, dẫn đến các vấn đề về xương khớp và thoái hóa sớm.
- Bệnh loãng xương: Một số yếu tố như lười vận động, dinh dưỡng không đầy đủ và sử dụng thuốc chống động kinh có thể dẫn đến mật độ xương thấp. Từ đó, làm tăng nguy cơ gãy xương.
- Các biến chứng khác: Một số biến chứng khác như rối loạn giấc ngủ, đau mãn tính, da lở loét, các vấn đề về đường ruột và răng miệng.
Phòng ngừa bại não
Phần lớn các trường hợp bại não đều không có biện pháp phòng ngừa, nhưng bố mẹ vẫn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cho con. Nếu đang mang thai hoặc dự định có thai, bạn có thể thực hiện các bước sau để tăng cường sức khỏe và giảm thiểu các biến chứng thai kỳ:
- Tiêm vaccine: Tiêm vaccine phòng các bệnh như rubella, tốt nhất là trước khi mang thai. Bởi nhiễm trùng trong thời kỳ mang thai có thể gây tổn thương não của bé.
- Chăm sóc bản thân: Phụ nữ càng khỏe mạnh thì khi mang thai càng ít có khả năng bị nhiễm trùng, từ đó phòng ngừa được bệnh bại não.
- Đi khám thai sớm và định kỳ: Thường xuyên đến gặp bác sĩ khi mang thai để giảm thiểu rủi ro sức khỏe cho mẹ và bé. Đi khám bác sĩ thường xuyên có thể hạn chế nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân và mắc các bệnh nhiễm trùng.
- Không nên sử dụng rượu, thuốc lá và các chất cấm: Bởi chúng có liên quan đến nguy cơ gây bại não ở trẻ.
Hiếm khi, tổn thương não trong thời thơ ấu có thể dẫn đến bại não. Tuy nhiên, bạn vẫn nên đảm bảo an toàn cho trẻ khỏi các va đập, chấn thương, đặc biệt là ở vùng đầu bằng cách cho trẻ một chỗ ngồi riêng dành cho trẻ xe oto, đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp/xe máy,...
Chẩn đoán bại não
Các dấu hiệu và triệu chứng của bại não có thể trở nên rõ ràng hơn theo thời gian. Do đó, bác sĩ có thể chỉ đưa ra chẩn đoán xác định khi trẻ được vài tháng đến một năm. Trong một số trường hợp các dấu hiệu và triệu chứng nhẹ và không rõ ràng, việc đưa ra chẩn đoán có thể bị trì hoãn lâu hơn.
Nếu bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ nhi khoa nghi ngờ trẻ bị bại não, họ sẽ đánh giá các dấu hiệu và triệu chứng của bé, theo dõi sự tăng trưởng và phát triển, xem xét tiền sử bệnh và tiến hành khám sức khỏe. Bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến các chuyên gia về não và hệ thần kinh ở trẻ em, chẳng hạn như bác sĩ thần kinh nhi, bác sĩ phục hồi chức năng,...
Bác sĩ cũng có thể chỉ định một loạt các xét nghiệm để chẩn đoán và loại trừ các nguyên nhân khác.
Chẩn đoán hình ảnh
Chẩn đoán hình ảnh có thể phát hiện các khu vực bị tổn thương hoặc phát triển bất thường trong não. Một số xét nghiệm hay làm:
- Chụp cộng hưởng từ: Cộng hưởng từ sử dụng sóng radio và một từ trường để tạo ra hình ảnh 3D hoặc hình ảnh cắt ngang của não bộ, từ đó có thể xác định tổn thương hoặc bất thường trong não của trẻ. Chụp cộng hưởng từ không gây đau đớn, nhưng ồn ào và có thể mất đến một giờ. Vì vậy, bé có thể sẽ được tiêm thuốc an thần hoặc gây mê trước đó.
- Siêu âm xuyên thóp: Thường được thực hiện trong thời kỳ sơ sinh. Siêu âm xuyên thóp sử dụng sóng âm tần số cao để tạo ra hình ảnh của não. Siêu âm không tạo ra hình ảnh chi tiết, nhưng vẫn được chỉ định vì tiện lợi, nhanh chóng và có thể đưa ra đánh giá sơ bộ có giá trị về não.
Điện não đồ (Electroencephalogram - EEG)
Nếu nghi ngờ bé bị co giật, điện não đồ có thể đánh giá rõ hơn về tình trạng bệnh. Co giật có thể là dấu hiệu của bại não. Để thực hiện điện não đồ, bác sĩ sẽ gắn các điện cực vào đầu của trẻ. Điện não đồ ghi lại hoạt động điện của não. Những thay đổi ở sóng não thường gặp trong bệnh động kinh.
Các xét nghiệm khác
Các xét nghiệm máu, nước tiểu hoặc da có thể được chỉ định nhằm sàng lọc các vấn đề về di truyền hoặc trao đổi chất.
Kiểm tra các vấn đề khác
Nếu trẻ được chẩn đoán mắc bại não, bác sĩ có thể chuyển đến các chuyên khoa khác để kiểm tra các bất thường liên quan đến bại não. Bé có thể cần được đưa đi đánh giá:
- Thị giác
- Thính giác
- Phát âm
- Trí tuệ
- Sự phát triển
- Vận động
Phân loại bại não dựa trên rối loạn vận động chính, nhưng một số trường hợp có nhiều rối loạn vận động kết hợp. Phổ biến nhất là bại não thể co cứng, đặc trưng bởi các cử động giật, căng cơ và cứng khớp. Các dạng bại não khác bao gồm rối loạn vận động liên quan đến sự cân bằng và phối hợp kém (mất điều hòa) và khó kiểm soát các cơ (rối loạn vận động).
Sau khi chẩn đoán bại não, bác sĩ có thể sử dụng thang điểm đánh giá, chẳng hạn như Hệ thống phân loại chức năng vận động tổng thể (GMFCS), để xác định mức độ nghiêm trọng của rối loạn vận động, tư thế và thăng bằng. Đánh giá này có thể liên quan đến việc lựa chọn phương pháp điều trị.
Điều trị bại não
Trẻ em và người lớn bị bại não có thể cần được chăm sóc y tế suốt đời. Bên cạnh bác sĩ nhi khoa, chuyên gia phục hồi chức năng (bác sĩ vật lý trị liệu) và bác sĩ thần kinh nhi khoa có thể cùng tham gia hội chẩn để đưa ra các phương án điều trị phù hợp.
Không có phương pháp nào chữa khỏi bệnh bại não. Tuy nhiên, có nhiều lựa chọn điều trị có thể giúp cải thiện hoạt động và sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào các triệu chứng và nhu cầu cụ thể của bé, và nhu cầu này có thể thay đổi theo thời gian. Nên can thiệp sớm để đạt hiệu quả cao nhất.
Một số phương pháp điều trị có thể bao gồm thuốc, liệu pháp, phẫu thuật và các phương pháp điều trị khác nếu cần.
Thuốc
Có thể sử dụng các loại thuốc giảm căng cơ để cải thiện các chức năng hoạt động, điều trị đau và kiểm soát các biến chứng liên quan đến co cứng hoặc các triệu chứng của bại não khác.
- Tiêm thuốc ức chế hoạt động của cơ: Để điều trị tình trạng co thắt của một cơ hay bó cơ cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định tiêm onabotulinumtoxinA (Botox) hoặc dược chất khác có tác dụng tương tự. Có thể cần tiêm nhắc lại khoảng ba tháng một lần.
Bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ như đau tại chỗ tiêm và các triệu chứng giống cúm nhẹ. Các tác dụng phụ khác nghiêm trọng hơn như khó thở và khó nuốt.
- Thuốc uống giãn cơ: Các loại thuốc như baclofen, tizanidine (Zanaflex), diazepam (Valium) hoặc dantrolene (Dantrium) thường được sử dụng để giãn cơ.
Trong một số trường hợp, baclofen được tiêm vào tủy sống (baclofen nội tủy). Máy bơm được phẫu thuật cấy ghép dưới da bụng.
- Thuốc giảm chảy nước bọt: Tiêm Botox vào tuyến nước bọt.
Trao đổi kỹ hơn với bác sĩ về những lợi ích và rủi ro, cũng như tác dụng phụ có thể có của các thuốc điều trị.
Trị liệu
Bên cạnh sử dụng thuốc, các phương pháp trị liệu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị bại não:
- Vật lý trị liệu: Các bài tập rèn luyện cơ có thể giúp bệnh nhân tăng cường sức khỏe, tăng sự linh hoạt, khả năng giữ thăng bằng và phát triển vận động. Gia đình cũng sẽ học cách chăm sóc và đáp ứng các nhu cầu hàng ngày của bé tại nhà, chẳng hạn như tắm và cho trẻ ăn. Các chuyên gia trị liệu sẽ hướng dẫn gia đình những bài tập tại nhà giữa các lần trị liệu.
Trong 1-2 năm đầu tiên sau khi sinh, các bác sĩ sẽ tư vấn gia đình về các vấn đề như làm thế nào để trẻ kiểm soát đầu và thân mình, lăn qua lại và cầm nắm. Sau đó, bác sĩ vật lý trị liệu sẽ hỗ trợ trẻ sử dụng xe lăn nếu cần thiết.
Trẻ có thể cần phải dùng nẹp hoặc các thiết bị hỗ trợ khác để giúp cải thiện chức năng, chẳng hạn như cải thiện khả năng đi lại và thư giãn các cơ bị cứng.
- Liệu pháp nghề nghiệp: Bác sĩ đưa ra các phương án để giúp trẻ có thể tự sinh hoạt hàng ngày ở nhà, trường học và trong cộng đồng. Một số thiết bị được khuyên dùng cho trẻ như khung tập đi, nẹp, nạng hoặc xe lăn điện,...
- Liệu pháp ngôn ngữ và lời nói: Các nhà nghiên cứu bệnh lý về ngôn ngữ nói có thể giúp bệnh nhân bại não cải thiện khả năng nói rõ ràng hoặc giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu. Trẻ cũng có thể được dạy cách sử dụng các thiết bị giao tiếp, chẳng hạn như máy tính và bộ tổng hợp giọng nói, nếu như việc giao tiếp còn gặp khó khăn. Các nhà trị liệu ngôn ngữ cũng có thể giải quyết những khó khăn mà bệnh nhân gặp phải khi ăn và nuốt.
- Liệu pháp giải trí: Một số môn thể thao như cưỡi ngựa hoặc trượt tuyết cũng giúp ích cho trẻ em bị bại não. Liệu pháp này có thể giúp cải thiện kỹ năng vận động, lời nói và cảm xúc của bệnh nhân. Cả người lớn và trẻ em đều nên tích cực tham gia hoạt động thể chất và tập thể dục thường xuyên để có một cơ thể khỏe mạnh.
Quy trình phẫu thuật
Trong một số trường hợp có thể cần phẫu thuật để giảm bớt tình trạng căng cơ hoặc điều chỉnh các bất thường về xương do tình trạng co cứng cơ. Các phương pháp điều trị này bao gồm:
- Phẫu thuật chỉnh hình: Trẻ em bị co cứng cơ hoặc dị tật nghiêm trọng có thể cần phẫu thuật để đặt các xương và khớp về đúng vị trí. Các cuộc phẫu thuật cũng có thể kéo dài cơ và định vị lại các gân bị rút ngắn do co cứng cơ. Phẫu thuật này có thể làm giảm đau và cải thiện khả năng vận động, đồng thời giúp người bệnh sử dụng khung tập đi, nẹp hoặc nạng dễ dàng hơn.
- Cắt dây thần kinh: Trong một số trường hợp nghiêm trọng, khi các phương pháp điều trị khác không có tác dụng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt các dây thần kinh chi phối các cơ bị co cứng. Quy trình này được gọi là phẫu thuật cắt rễ thần kinh có chọn lọc. Phẫu thuật này giúp thư giãn các bó cơ ở chân và giảm đau, nhưng có thể gây tê bì, dị cảm cho bệnh nhân.
Các phương pháp điều trị khác
Khi cần, các loại thuốc và phương pháp điều trị khác có thể được bác sĩ chỉ định cho các triệu chứng như co giật, đau, loãng xương, tình trạng sức khỏe tâm thần và các vấn đề về giấc ngủ, thị lực hoặc thính giác, sức khỏe răng miệng, ăn uống và dinh dưỡng, tiểu không tự chủ.
Khi bệnh nhân bại não trưởng thành
Khi trẻ bị bại não lớn lên, nhu cầu chăm sóc sức khỏe có thể thay đổi. Ngoài việc khám sức khỏe tổng quát định kỳ như những người khác, bệnh nhân cần chăm sóc sức khỏe liên tục bao gồm đánh giá và điều trị các tình trạng hay gặp ở người lớn bị bại não. Chẳng hạn như:
- Vấn đề về thị giác và thính giác
- Duy trì trương lực cơ
- Kiểm soát động kinh
- Các vấn đề về đau nhức và mệt mỏi
- Vấn đề nha khoa
- Các vấn đề về chỉnh hình, chẳng hạn như co cứng cơ, viêm khớp và loãng xương.
- Bệnh lý tim phổi
- Các vấn đề sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm.
Các phương pháp điều trị bổ sung
Một số trẻ em và thanh thiếu niên bị bại não sử dụng các loại thuốc bổ sung hoặc thay thế. Đây là những liệu pháp chưa được chứng minh và chưa được áp dụng vào thực hành lâm sàng thường quy. Nếu bạn đang cân nhắc một loại thuốc hoặc liệu pháp bổ sung hoặc thay thế, hãy trao đổi với bác sĩ về những rủi ro và lợi ích của những phương pháp này.
Đối phó với bại não
Khi một đứa trẻ được chẩn đoán bại não, cả gia đình sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình nuôi dạy con. Dưới đây là một số mẹo để chăm sóc trẻ:
- Dạy trẻ tự lập: Khuyến khích mọi nỗ lực tự lập, dù là nhỏ nhất. Ở mọi lứa tuổi, việc trẻ tham gia vào các hoạt động xã hội, giáo dục, giải trí và các hoạt động cộng đồng khác có thể giúp trẻ sau này hòa nhập vào xã hội và có tác động tích cực đến chất lượng cuộc sống của trẻ.
- Luôn chở che, quan tâm đến trẻ: Gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe của bé. Đừng ngại đặt câu hỏi cho bác sĩ, bởi hơn ai hết, gia đình cần phải nắm rõ để chăm sóc bé một cách tốt nhất.
- Tìm kiếm hỗ trợ từ các tổ chức: Sự hỗ trợ từ các tổ chức có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong việc giúp gia đình đối phó với bệnh bại não và những ảnh hưởng của nó. Cha mẹ luôn day dứt và suy nghĩ về tình trạng bệnh của con. Gia đình nên tìm kiếm các nhóm hỗ trợ, tổ chức và dịch vụ tư vấn trong cộng đồng hay các chương trình hỗ trợ liên quan đến bại não.
- Tiếp cận các dịch vụ: Các dịch vụ can thiệp sớm và giáo dục đặc biệt có sẵn cho trẻ em dưới 21 tuổi có thể giúp ích nhiều cho trẻ. Hoặc gia đình cũng có thể tìm kiếm các dịch vụ dành cho người lớn bị bại não. Bạn cũng có thể nhờ bác sĩ tư vấn để tiếp cận các chương trình và dịch vụ này.
Nguồn lực cộng đồng và hỗ trợ cho người lớn
Ngoài việc giải quyết các nhu cầu về sức khỏe, việc chăm sóc người thân bị bại não đã trưởng thành có thể liên quan đến nhu cầu lối sống hiện tại và tương lai, chẳng hạn như:
- Quyền giám hộ
- Lên kế hoạch cho tương lai
- Tham gia hoạt động xã hội và giải trí
- Việc làm
- Hỗ trợ tài chính
Cần chuẩn bị gì trước khi đi khám bác sĩ
Nếu nghi ngờ con mình bị bại não, bạn nên tìm hiểu về mức độ nghiêm trọng, các dấu hiệu, triệu chứng của bé bắt đầu từ khi nào và bản thân có các yếu tố nguy cơ khi mang thai hoặc khi sinh hay không. Tất cả những điều trên có thể là cơ sở cho việc chẩn đoán.
Dưới đây là một số thông tin bạn nên chuẩn bị trước thuận lợi cho việc chẩn đoán.
Những điều nên làm
Trước khi đi khám bác sĩ, hãy tự trả lời những câu hỏi sau đây:
- Các triệu chứng liên quan đến bại não và thời điểm các triệu chứng đó xuất hiện.
- Tất cả các loại thuốc, vitamin và các viên uống bổ sung khác mà trẻ đang dùng, bao gồm cả liều lượng thuốc.
- Tiền sử bệnh của bé, gồm tất cả những bệnh mà được bác sĩ chẩn đoán.
- Thông tin về quá trình mang thai và sinh con của bạn, có vấn đề nào không.
- Những thắc mắc cần được bác sĩ giải đáp.
Bạn có thể đi cùng với người thân hoặc bạn bè để nghe tư vấn từ bác sĩ.
Một số câu hỏi bạn có thể đặt ra cho bác sĩ như:
- Trẻ sẽ cần những xét nghiệm nào?
- Khi nào có kết quả xét nghiệm?
- Gia đình cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa nào?
- Bác sĩ sẽ theo dõi sức khỏe và sự phát triển của trẻ như thế nào?
- Bác sĩ có thể tư vấn về phương pháp giáo dục và dịch vụ hỗ trợ địa phương liên quan đến bệnh bại não không?
- Có thể khám và giải quyết tất cả các vấn đề của bé trong một lần hẹn không?
Đừng ngần ngại đưa ra những câu hỏi cho bác sĩ để bác sĩ có thể tư vấn và giải đáp kỹ hơn về những thắc mắc của gia đình.
Những câu hỏi từ phía bác sĩ
Bác sĩ cũng có thể đưa ra một số câu hỏi cho gia đình như:
- Bạn có lo lắng gì về sự tăng trưởng và phát triển của con mình không?
- Vấn đề về ăn uống
- Trẻ có phản ứng dữ dội khi bạn chạm vào người trẻ không?
- Bạn có quan sát thấy trẻ vận động một bên cơ thể nhiều hơn không?
- Trẻ có đang đạt đến những cột mốc phát triển nhất định như lăn, lẫy, ngồi dậy, bò, đi hay nói không?
- Mẹ có gặp vấn đề gì khi mang thai hoặc sinh nở không?
Xem thêm: