Video dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh bà bầu cần đặc biệt ghi nhớ
Thời điểm chuyển dạ trong thai kỳ
Chuyển dạ là một quá trình sinh lý nhờ đó thai trong buồng tử cung được tống ra ngoài. Chuyển dạ bình thường xảy ra lúc thai nhi đã trưởng thành (thai 37 đến 42 tuần). Những trường hợp chuyển dạ trước 37 tuần thai gọi là chuyển dạ sinh non. Trẻ sinh non có thể có nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe khi sinh và khi lớn lên. Nếu bạn chưa đến tuần thứ 37 của thai kỳ mà có dấu hiệu hoặc triệu chứng của chuyển dạ, hãy gọi cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời.
Các giai đoạn của chuyển dạ
Chẩn đoán chuyển dạ cần phải có 2 yếu tố: (1) các cơn co tử cung đều đặn, tăng dần về cường độ và tần suất; (2) cổ tử cung có hiện tượng xóa – mở. Chuyển dạ là một tiến trình liên tục và được chia thành 3 giai đoạn
- Giai đoạn 1: tính từ lúc bắt đầu chuyển dạ đến khi cổ tử cung xóa mở hoàn toàn
Giai đoạn này được chia thành hai pha: pha tiềm tàng và pha tích cực.
Pha tiềm tàng được tính từ lúc bắt đầu chuyển dạ cho đến khi tử cung mở nhanh, pha này thường kéo dài <20 giờ ở người con so và <14 giờ ở người con rạ.
Pha tích cực là giai đoạn cổ tử cung mở nhanh, thường tính từ lúc cổ tử cung mở 3-4cm. Trong pha tích cực, cổ tử cung mở trung bình 1.2cm/giờ ở người con so và >1.5cm/giờ ở người con rạ. Nếu trong pha tích cực, cổ tử cung không tiến triển thêm trong thời gian trên 2 giờ gợi ý một cuộc chuyển dạ bất thường.
- Giai đoạn 2: tính từ khi cổ tử cung mở hoàn toàn (đường kính khoảng 10cm) cho đến khi em bé được sinh ra. Giai đoạn này thường kéo dài <2 giờ ở người con so và <1 giờ ở người con rạ.
- Giai đoạn 3: tính từ lúc em bé được sinh ra đến khi nhau và các màng nhau được sổ ra ngoài, thường kéo dài dưới 10 phút.
Các dấu hiệu chuyển dạ và cách theo dõi
Các cơn co tử cung mạnh và thường xuyên
Các cơ co tử cung là động lực của cuộc chuyển dạ. Khi bạn có các cơn co, tử cung sẽ thắt lại và sau đó giãn ra. Đối với một số người, các cơn co tử cung chỉ giống như những cơn đau bụng kinh. Không phải tất cả các cơn co tử cung đều có nghĩa bạn đang chuyển dạ. Những cơn co tử cung có thể xuất hiện trong suốt thai kỳ, đặc biệt là vào tam cá nguyệt thứ ba. Các cơn co thắt này gọi là cơn con Braxton Hicks và thường không gây đau đớn.
Bạn cần theo dõi cơn co bằng cách bấm giờ cho chúng, ghi lại khoảng thời gian bắt đầu một cơn co đến khi bắt đầu cơn co tiếp theo, đếm số cơn co trong vòng 1 giờ. Hãy thử đi bộ hoặc di chuyển xem liệu cơn co thắt có dừng lại khi bạn thay đổi tư thế không.
Cơn co tử cung do chuyển dạ thực sự ban đầu yếu, ngắn và thưa nhưng càng về sau sẽ càng mạnh – dài – mau. Bạn sẽ cảm giác như thắt lại, đau tăng dần, giảm dần rồi biến mất, khi thay đổi tư thế cơn co không mất đi. Khoảng cách cố định giữa các cơn co ngày càng ngắn lại theo thời gian, ban đầu có thể là 10-12 phút một cơn, sau đó 5 đến 7 phút một cơn.
Hãy nhớ quy tắc 5-1-1 cho cơn co tử cung chuyển dạ thực sự để đến cơ sở y tế: các cơn co cách nhau 5 phút, mỗi cơn co kéo dài ít nhất 1 phút và theo dõi trong 1 giờ.
Bong nút nhầy cổ tử cung
Nút nhầy là một tập hợp chất nhầy dày bịt kín lỗ mở của cổ tử cung. Chúng có vai trò ngăn vi khuẩn xâm nhập vào tử cung, nhưng khi gần chuyển dạ, nút này sẽ lỏng ra và rơi ra ngoài. Thời gian từ khi bong nút nhầy đến khi chuyển dạ thay đổi ở những phụ nữ khác nhau. Một số có thể kéo dài trong vòng vài giờ, hoặc vài ngày, một số phụ nữ khác có thể kéo dài đến khi chuyển dạ hàng tuần.
Trong thai kỳ, phụ nữ tiết dịch âm đạo nhiều, do đó khó xác định khi nào nút nhầy bong thật sự. Đặc điểm nút nhầy sắp chuyển dạ có thể xuất hiện dạng dây hoặc đặc như thạch, khác với dịch tiết hàng ngày, đôi khi có thể màu hồng hoặc hơi lẫn máu.
Nút nhầy bong ra ngoài khi cổ tử cung mềm, mỏng và rộng hơn chuẩn bị cho việc sinh nở. Một số phụ nữ mang thai có thể mất nút nhầy sau khi khám cổ tử cung hoặc trong quan hệ tình dục. Nếu bạn nghi ngờ mình bong nút nhầy khi mang thai dưới 36 tuần, hãy gọi cho bác sĩ của bạn. Bác sĩ có thể khuyên bạn đi khám lại để đánh giá tình trạng em bé và/ hoặc cổ tử cung của mẹ. Nếu bạn mang thai trên 37 tuần mà chỉ có biểu hiện bong nút nhầy, không kèm theo các dấu hiệu chuyển dạ khác thì đừng lo lắng. Hãy gọi cho bác sĩ của bạn để có lịch hẹn khám tiếp theo. Bác sĩ có thể hướng dẫn bạn cách theo dõi cơn co tử cung để đến viện khi cần.
Bạn cần đến cơ sở y tế nếu bong nút nhầy kèm theo chảy nhiều máu đỏ tươi để loại trừ biến chứng của thai nghén như nhau tiền đạo, nhau bong non hay nút nhầy màu xanh lá cây hoặc có mùi hôi là những dấu hiệu nguy cơ nhiễm trùng.
Vỡ ối
Khi vỡ ối, bạn có thể chảy nước ồ ạt từ âm đạo hoặc rò rỉ liên tục một lượng chất lỏng có màu vàng hoặc trong suốt. Một số phụ nữ chỉ cảm nhận thấy một vài giọt nước nhỏ hoặc cảm giác ẩm ướt trong quần lót. Những trường hợp chảy ối ít đôi khi khó phân biệt với nước tiểu, đặc biệt với những phụ nữ hay bị tiểu són. Nếu bạn không chắc chắn rằng bạn có phải đang vỡ ối không, hãy liên hệ với bác sĩ sản khoa để xác định chính xác.
Thông thường, ở những phụ nữ mang thai tuần 37 trở lên, nếu mọi yếu tố thuận lợi sẽ sinh em bé trong vòng 24 giờ sau vỡ ỗi. Nếu vỡ ối càng lâu càng có nguy cơ nhiễm trùng cho thai nhi. Nếu mẹ không có dấu hiệu chuyển dạ, bác sĩ sẽ can thiệp khởi phát chuyển dạ hoặc tiến hành sinh mổ. Trong thời gian chờ đợi chuyển dạ một cách tự nhiên, hãy theo dõi sự di chuyển của em bé và tính chất của nước ối, đo nhiệt độ 4 giờ 1 lần. Hãy thông báo cho bác sĩ hoặc nữ hộ sinh nếu em bé di chuyển ít hơn bình thường, màu sắc và mùi của nước ối thay đổi hoặc nhiệt độ cơ thể trên 37.5 độ C.
Tuy nhiên, vỡ ối không hoàn toàn là dấu hiệu của chuyển dạ. Nếu vỡ ối xảy ra trước tuần thứ 37 của thai kỳ thì được gọi là vỡ ối non. Trong những trường hợp này, nếu không có dấu hiệu nhiễm trùng và sức khỏe thai nhi ổn định, bạn có thể tiếp tục mang thai một cách an toàn nếu được theo dõi cẩn thận. Trường hợp thai nhi trên 34 tuần tuổi, bạn có thể sinh mổ để tránh nhiễm trùng. Nếu bạn đang mang thai ở tuần 24 đến 34, các bác sĩ sẽ cố gắng trì hoãn việc sinh nở đến khi thai nhi của bạn phát triển hơn. Trong những tuần này, bác sĩ sẽ xem xét sử dụng thuốc trưởng thành phổi nếu bạn có nguy cơ sinh trong vài ngày tiếp theo. Nếu bạn mang thai dưới 24 tuần, bác sĩ sẽ giải thích những rủi ro khi sinh con non tháng, rủi ro và lợi ích của việc cố gắng trì hoãn chuyển dạ.
Đau bụng và lưng dưới
Bạn có thể cảm thấy đau dữ dội hoặc tăng áp lực vùng bụng dưới. Cơn đau có thể từ lưng dưới lan xuống chân. Chúng không biến mất khi bạn thay đổi tư thế.
Đau thắt lưng không có nghĩa là bạn sắp chuyển dạ. Hãy theo dõi thêm các dấu hiệu khác của chuyển dạ như cơn co tử cung thường xuyên và tăng tần suất, cảm giác thai nhi tụt thấp hơn trong khung chậu, vỡ ối hay bong nút nhầy.
Để giảm các cơn đau bạn có thể thực hiện một số phương pháp sau: tắm nước ấm, thử các tư thế khác nhau như ngồi xổm, đi bộ, sử dụng kỹ thuật thở hay làm dịu như thiền, hay xoa bóp khu vực bị đau.
Hãy đến cơ sở y tế khi bạn đau lưng và đau bụng dưới kèm theo dấu hiệu:
- Chuyển động thai nhi ít hơn bình thường
- Kèm theo vỡ ối mà không có cơn co tử cung
- Chảy máu âm đạo nhiều
- Đau dữ dội
Sa bụng dưới
Trong những tháng cuối thai kỳ, em bé sẽ tụt hoặc đi xuống khung chậu một vài tuần trước khi chuyển dạ (thường là 2 đến 4 tuần). Bạn có thể cảm thấy mình đi lạch bạch hơn, đi tiểu thường xuyên hơn do đầu em bé đè đẩy xuống bàng quang. Nhưng cùng với đó, bạn cảm thấy dễ thở hơn do em bé bớt chèn ép vào phổi của mẹ, đau vùng chậu và lưng dưới hay nhanh đói do em bé tụt thấp làm giảm áp lực lên dạ dày.
Giãn khớp
Trong suốt thai kỳ, hormone relaxin làm cho dây chằng lỏng và mềm. Trước khi chuyển dạ, bạn có thể cảm nhận thấy các khớp trên toàn cơ thể bớt căng hơn. Đó chỉ là cách tự nhiên giúp khung chậu của bạn mở rộng cho em bé nhỏ dễ lọt qua.
Tiêu chảy
Nhiều phụ nữ mô tả cơn đau và áp lực vùng chậu giống như cảm giác muốn đi tiêu. Một số khác cho biết trong những ngày trước chuyển dạ họ bị tiêu chảy hoặc đi tiêu lỏng. Điều này hoàn toàn bình thường do các cơ tử cung đang thư giãn để chuẩn bị cho việc sinh nở và cơ trực tràng cũng thế. Hãy nhớ uống đủ nước để cơ thể tránh mất nước do tiêu chảy.
Ngừng tăng cân hoặc giảm cân
Thời kỳ cuối mang thai mẹ bầu thường chững cân, thậm chí giảm cân. Tuy nhiên, em bé vẫn tăng cân dù cơ thể mẹ sẽ thải bớt lượng nước dư thừa. Điều này có thể xảy ra do lượng nước ối ít hơn vào cuối thai kỳ và lượng nước tiểu tăng lên để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ.
Cách xử lý khi bắt đầu chuyển dạ
Các dấu hiệu chuyển dạ thường diễn ra vào giai đoạn tiềm tàng. Quá trình này có thể mất hàng giờ đôi khi là vài ngày. Bạn có thể được khuyên ở nhà trong thời gian này. Nếu bạn đến bệnh viện, bác sĩ có thể đề nghị bạn trở về nhà sau khi tiến hành thăm khám và đánh giá.
Điều bạn nên làm trong giai đoạn chờ đợi gặp mặt thiên thần nhỏ là:
- Đi bộ hoặc di chuyển nếu bạn thấy thoải mái
- Uống đồ lỏng, bạn có thể sử dụng đồ uống thể thao giúp duy trì năng lượng
- Ăn nhẹ
- Thử bất kỳ bài tập thư giãn hay tập thở để đối phó với các cơn co tử cung khi chúng trở lên mạnh và đau hơn
- Mát xa lưng giúp giảm đau
- Tắm nước ấm
Nếu bạn có bất cứ điều gì lo lắng, hãy gọi cho bác sĩ hoặc nữ hộ sinh hoặc khi có bất kỳ dấu hiệu nào trong những dấu hiệu sau:
- Chảy máu hoặc tiết dịch đỏ tươi
- Nước ối có màu xanh lá cây hoặc nâu. Đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng hoặc cho thấy phân su của em bé, có thể nguy hiểm nếu bé ăn phải
- Bạn bị nhìn mờ hoặc đau đầu dữ dội. Đây có thể là triệu chứng tiền sản giật do huyết áp cao khi mang thai
- Em bé di chuyển ít hơn bình thường
- Bạn đang mang thai dưới 37 tuần và có dấu hiệu chuyển dạ
Xem thêm :