Video: Cảnh báo: HIV thay đổi đường lây nhiễm
Hiểu được các con đường lây truyền của HIV có thể giúp bảo vệ bản thân cũng như ngăn chặn các thông tin sai lệch được lan truyền.
Làm cách nào một người lây truyền hoặc phơi nhiễm HIV?
Lây nhiễm HIV qua dịch cơ thể chứa virus ở nồng độ cao, bao gồm:
- Máu
- Tinh dịch
- Dịch tiết âm đạo
- Dịch tiết trực tràng
- Sữa mẹ
Nước ối và dịch tủy sống cũng có thể chứa virus HIV, có thể gây nguy hiểm cho nhân viên y tế khi tiếp xúc. Các chất dịch khác như nước mắt, nước bọt và mồ hôi, không lây truyền virus.
HIV lây truyền từ người sang người như thế nào?
HIV lây truyền khi một người tiếp xúc với chất dịch của người bệnh HIV qua niêm mạc, vết cắt hoặc vết thương hở, khiến cho virus xâm nhập được vào máu của người đó.
Dưới đây là những cách có nguy cơ lây truyền HIV cao nhất:
Qua quan hệ tình dục
Việc phơi nhiễm HIV có thể xảy ra khi quan hệ tình dục. Cả quan hệ đường hậu môn và âm đạo đều có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, trong đó quan hệ tình dục qua hậu môn có nguy cơ cao nhất.
Có nhiều lý do, bao gồm việc quan hệ qua hậu môn dễ gây chảy máu vì niêm mạc hậu môn mỏng và dễ bị tổn thương. Từ đó virus dễ dàng xâm nhập vào cơ thể, ngay cả khi không chảy máu, vì các vết nứt ở niêm mạc hậu môn có thể rất nhỏ.
Mặc dù quan hệ qua âm đạo ít có khả năng lây nhiễm hơn nhưng nó vẫn là một con đường có nguy cơ cao. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), hầu hết phụ nữ nhiễm HIV đều do lây truyền qua quan hệ qua âm đạo.
Dùng chung kim tiêm
Dùng chung kim tiêm là con đường lây nhiễm HIV phổ biến nhất. Điều này là do kim tiêm đã qua sử dụng có thể dính máu mang virus.
Một nghiên cứu đã cho thấy virus HIV có thể tồn tại đến 42 ngày trong ống tiêm, tùy thuộc vào nhiệt độ.
HIV không phải là bệnh duy nhất lây nhiễm khi dùng chung kim tiêm, virus viêm gan B và viêm gan C cũng có thể lây truyền theo cách này.
Các con đường ít nguy cơ lây nhiễm HIV
Chúng ta hãy xem một số con đường ít nguy cơ lây nhiễm HIV hơn qua bài viết dưới đây
Nữ có thể lây truyền HIV cho nam không?
Nói chung, việc lây truyền từ nữ sang nam ít có khả năng hơn là từ nam sang nữ.
Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã ước tính nguy cơ lây nhiễm HIV trên hành vi tình dục khác giới ở phụ nữ cao gấp hai lần so với nam giới. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là sự lây truyền từ nữ sang nam không thể xảy ra.
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ người nam nhiễm HIV khi quan hệ tình dục qua âm đạo, chẳng hạn như vết thương hở hoặc vết loét xung quanh dương vật có thể là con đường cho virus xâm nhập vào cơ thể.
Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy việc cắt bao quy đầu có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV. Kết quả từ hai nghiên cứu lâm sàng cho thấy khả năng lây nhiễm HIV ở đàn ông đã cắt bao quy đầu thấp hơn những người chưa cắt.
Nữ có thể lây truyền HIV cho nữ không?
Đã có nhiều nghiên cứu về việc lây truyền HIV từ nữ sang nữ, nhưng kết quả cho thấy ít có nguy cơ xảy ra. Việc lây nhiễm xảy ra có thể do tiếp xúc với dịch âm đạo hoặc máu kinh.
Quan hệ tình dục bằng miệng
Đã có nhiều báo cáo ghi nhận về các trường hợp lây truyền HIV qua quan hệ tình dục bằng miệng. Theo nhiều nghiên cứu gần đây, nguy cơ lây nhiễm HIV do quan hệ tình dục bằng miệng rất thấp, nhưng không phải là không xảy ra.
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm bao gồm:
- Vết loét hở trong miệng hoặc trên bộ phận sinh dục
- Chảy máu lợi
- Mắc các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục khác (STIs)
Truyền máu và hiến tạng
Nguy cơ lây nhiễm HIV do truyền máu, chế phẩm máu hoặc do hiến tạng hiện là cực kỳ hiếm xảy ra. Tất cả máu và chế phẩm máu được hiến tặng đều phải trải qua một quá trình kiểm tra tất cả các loại mầm bệnh lây truyền qua đường máu trước khi được sử dụng, trong đó có HIV.
Máu được hiến tặng nếu có kết quả dương tính với HIV sẽ được loại bỏ một cách an toàn. Theo CDC, nguy cơ lây nhiễm HIV trong quá trình truyền máu được ước tính là 1 trên 1,5 triệu người.
Nội tạng được hiến tặng cũng phải trải qua quá trình kiểm tra tương tự. Mặc dù rất hiếm nhưng việc lây nhiễm vẫn có thể xảy ra.
Tuy nhiên, việc xét nghiệm sau phẫu thuật có thể nhanh chóng giúp phát hiện sự lây nhiễm và điều trị kịp thời.
Mang thai và cho con bú
Virus HIV cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con khi mang thai, khi sinh nở và khi cho con bú. Tuy nhiên, việc xét nghiệm HIV rộng rãi cho tất cả mẹ bầu đã làm giảm đáng kể số lượng trẻ sơ sinh nhiễm HIV.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu cả mẹ và con được dùng thuốc điều trị HIV trong thời kỳ mang thai và cho con bú, nguy cơ lây nhiễm gần như không xảy ra.
Hôn sâu
Mặc dù rất hiếm nhưng HIV vẫn có thể lây truyền khi hai người hôn sâu.
Mặc dù virus không lây truyền qua nước bọt, nhưng sự lây truyền có thể xảy ra nếu nước bọt có lẫn máu. Lý do là vì một hoặc cả hai người bị chảy máu lợi, có vết thương hở hoặc vết loét trong miệng.
Xăm hình và xỏ khuyên
Theo CDC, không có trường hợp nào được báo cáo lây nhiễm HIV khi xăm mình hoặc xỏ khuyên. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, việc này có thể xảy ra nếu dùng chung kim hoặc mực xăm cho nhiều người.
Phơi nhiễm do rủi ro nghề nghiệp
HIV có thể lây truyền qua các tai nạn nghề nghiệp như bị cắt hoặc đâm vào tay do dụng cụ dính máu.
Nghề nghiệp có nguy cơ phơi nhiễm HIV cao nhất chính là các nhân viên y tế, tuy nhiên nếu cẩn thận và có đầy đủ đồ bảo hộ thì khả năng xảy ra là rất thấp. Một báo cáo ước tính nguy cơ lây nhiễm từ nguyên nhân này chỉ khoảng 0,3%.
Vết cắn làm chảy máu
Vết cắn làm chảy máu cũng có thể dẫn đến lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, theo CDC, rất ít trường hợp một người cắn đủ mạnh để gây chảy máu trên da.
Tải lượng HIV có ảnh hưởng đến việc lây truyền không?
Tải lượng virus là số lượng vật liệu di truyền của virus tính trên 1 đơn vị thể tích máu, thường là ml. Khả năng lây truyền tăng lên khi tải lượng virus tăng lên.
Tải lượng virus trong máu cao nhất trong giai đoạn cửa sổ và khi không được điều trị. Sử dụng thuốc kháng virus có thể làm giảm tải lượng virus xuống mức rất thấp, còn được gọi là mức “không phát hiện”.
Vì vậy, thuốc điều trị kháng virus không chỉ là một phương pháp điều trị mà còn là một công cụ quan trọng để phòng bệnh. Khi không phát hiện virus trong máu, người bệnh sẽ không thể lây nhiễm HIV cho người khác.
Nguyên tắc này được gọi là “không phát hiện” = không thể lây truyền và đã được chứng minh bởi nhiều nghiên cứu có quy mô lớn.
Có thể mất đến 6 tháng dùng thuốc kháng virus hàng ngày để đạt đến mức “không phát hiện”, mức này được xác nhận khi tất cả xét nghiệm đều không phát hiện virus trong máu trong ít nhất 6 tháng kể từ xét nghiệm không phát hiện đầu tiên.
Những con đường sẽ không lây nhiễm HIV
Không cần phải sợ hãi khi tiếp xúc với người nhiễm HIV. Virus không tồn tại trên da và không thể tồn tại lâu bên ngoài cơ thể.
Ngoài ra, các chất dịch cơ thể như nước bọt, nước mắt và mồ hôi cũng không lây truyền virus.
Do đó, tiếp xúc thông thường, chẳng hạn như nắm tay, ôm, ngồi cạnh và kể cả hôn môi người bệnh cũng sẽ không làm lây nhiễm HIV.
Gãi và khạc nhổ cũng không phải là con đường lây truyền HIV. Một vết xước nhỏ và vết cắn không chảy máu cũng không làm lây nhiễm HIV.
Cuối cùng, các loại côn trùng như muỗi và bọ ve cũng không mang HIV kể cả sau khi hút máu, do virus đã bị tiêu diệt trong đường tiêu hóa của chúng.
Những người có nguy cơ nhiễm HIV cao nhất
Một số yếu tố liên quan đến dân số, hành vi và tình trạng sức khỏe có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV, bao gồm:
- Quan hệ tình dục không sử dụng các biện pháp an toàn.
- Quan hệ tình dục với nhiều người
- Dùng chung dụng cụ tiêm chích
- Đã mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác
- Các thủ thuật y tế với dụng cụ không sát trùng
Ngoài ra, một số nhóm người ở Hoa Kỳ mà CDC đã xác nhận là có tỷ lệ người nhiễm HIV cao, bao gồm:
- Nam quan hệ đồng tính
- Người Mỹ gốc Phi
- Người Latin
- Người nghiện ma túy
- Người chuyển giới
Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là HIV có thể lây nhiễm với bất kỳ ai, bất kể chủng tộc, giới tính hay xu hướng tình dục.
Có mối liên hệ nào giữa HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác không?
Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV, bao gồm:
Có một số lý do khiến các bệnh lây truyền qua đường tình dục làm tăng nguy cơ nhiễm HIV. Đầu tiên, các triệu chứng của nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục là viêm và lở loét bộ phận sinh dục, tạo điều kiện cho việc virus lây truyền từ người này sang người khác.
Thứ hai, giống như HIV, con đường lây truyền các bệnh đó có liên quan đến một số hành vi như quan hệ tình dục mà không dùng các biện pháp bảo vệ.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một số bệnh lây truyền qua đường tình dục có liên quan chặt chẽ với việc lây truyền HIV hơn những bệnh khác, bao gồm:
- Giang mai
- Lậu
- Herpes sinh dục
Để ngăn ngừa lây nhiễm cả HIV và các bệnh khác, hãy luôn sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục.
Thảo luận cởi mở với bạn tình về các rủi ro liên quan đến quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn, đồng thời chia sẻ về các tình trạng sức khỏe bản thân đang gặp phải.
Tổng kết
Con đường lây truyền HIV phổ biến nhất là qua quan hệ tình dục và sử dụng chung kim tiêm.
Các con đường ít nguy cơ lây nhiễm hơn bao gồm quan hệ tình dục bằng miệng và từ mẹ sang con khi mang thai.
HIV không lây truyền qua tiếp xúc thông thường hoặc hôn môi.
Một số cách để phòng ngừa lây nhiễm HIV như người bệnh sử dụng thuốc kháng virus hàng ngày để giảm tải lượng virus xuống mức “không phát hiện”. Điều này thực tế giúp loại bỏ nguy cơ lây nhiễm HIV khi quan hệ tình dục.
Khi quan hệ tình dục, hãy luôn sử dụng các biện pháp an toàn. Những người không nhiễm HIV cũng có thể xem xét việc sử dụng các thuốc dự phòng trước phơi nhiễm trước các lần quan hệ tình dục.
Ngày xưa, người nhiễm HIV luôn mang theo sự mặc cảm và kỳ thị của xã hội rất lớn. Tuy nhiên ngày nay, nhờ sự giáo dục cũng như xóa bỏ những hiểu lầm về HIV, xã hội đã dần chấp nhận và không còn kỳ thị đối với những người nhiễm HIV nữa.
Xem thêm
- Phát ban HIV: Phân loại, nguyên nhân và triệu chứng kèm theo
- Hướng dẫn toàn diện về HIV và AIDS: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị...
- Các dấu hiệu sớm của nhiễm HIV
- Diễn biến các triệu chứng của HIV
- Xét nghiệm HIV khi mang thai: Những điều bạn cần biết
- Các xét nghiệm HIV: Chẩn đoán, theo dõi...
- Test nhanh HIV: Xét nghiệm tại nhà, độ chính xác và lợi ích
- 15 dấu hiệu HIV sớm ở nam giới
- 9 dấu hiệu nhiễm HIV thường thấy ở nữ giới
- HIV và AIDS có chữa được không?
- HIV: Giai đoạn cửa sổ là gì?