Video Chụp X-Quang có nguy hiểm không - Quá trình chụp X-Quang
Khi nào chụp X-quang sọ?
Bác sĩ sẽ giải thích lý do tại sao cần chụp X-quang. X-quang sọ thường được chỉ định sau một chấn thương vùng đầu. Các lý do khác có thể kể đến như:
- Vôi hóa xương
- Dị tật trong hộp sọ
- Gãy xương sọ hoặc xương mặt
- Đau đầu thường xuyên
- Nhiễm trùng xương sọ
- Mất thính giác nghề nghiệp (do công việc)
- Khối u
Chuẩn bị chụp X-quang sọ
Chụp X-quang không yêu cầu phải chuẩn bị quá nhiều trước khi chụp. Tùy cơ sở y tế mà người chụp có thể cần thay quần áo từ thắt lưng trở lên và mặc áo choàng bệnh viện. Bạn cũng có thể mặc nguyên quần áo của mình nếu quần áo không có khuy, cúc hoặc khóa kéo bằng kim loại.
Người chụp cũng cần tháo các món đồ trang sức, kính đeo mắt và các kim loại khác trên đầu. Kim loại có thể làm nhiễu hình ảnh trên phim Xquang.
Báo cho bác sĩ về bất kỳ vật liệu phẫu thuật được cấy ghép trước đây ví dụ van tim nhân tạo, máy tạo nhịp tim. Những vật liệu này có thể ảnh hưởng phần nào đến kết quả hình ảnh, tuy nhiên bác sĩ vẫn có thể chọn thực hiện chụp X-quang nếu như khả năng nhiễu ảnh rất thấp.
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp cộng hưởng từ có thể gây rủi ro cho những người có kim loại trong cơ thể.
Chụp X-quang sọ được thực hiện như thế nào?
Chụp X-quang tiến hành trong một phòng đặc biệt, máy chụp X-quang được gắn vào một cần kim loại lớn có thể di chuyển. Máy được thiết kế để có thể chụp các bộ phận cơ thể khác nhau.
Để chụp X-quang sọ, người chụp sẽ ngồi trên ghế hoặc nằm trên bàn chuyên dụng. Một ngăn kéo dưới bàn chứa phim X-quang hoặc một bộ cảm biến đặc biệt giúp ghi lại hình ảnh trên máy tính. Một chiếc áo bằng chì sẽ được đặt trên cơ thể bạn để bảo vệ các phần khác khỏi bức xạ đặc biệt là vùng sinh dục và ngực.
Kỹ thuật viên chụp X-quang hướng dẫn các tư thế để chụp được hình ảnh theo như chỉ định của bác sĩ: nằm ngửa, nằm nghiêng. Trong khi chụp, bạn cần nín thở và không cử động phần đầu.
Quá trình chụp mất khoảng 20 đến 30 phút. Sau khi chụp xong, bạn có thể đi làm, sinh hoạt như bình thường.
Những nguy cơ khi chụp X-quang sọ
Tia X là một loại năng lượng bức xạ. Với người trưởng thành, lượng bức xạ mà cơ thể hấp thu trong quá trình chụp X-quang là rất nhỏ, trong ngưỡng chấp nhận được và không gây tác hại gì lên cơ thể. Lợi ích của nó mang lại lớn hơn rất nhiều so với nguy cơ do tiếp xúc với bức xạ.
Với một số đối tượng đặc biệt như trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, phơi nhiễm bức xạ nhiều lần có thể không an toàn. Các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp chẩn đoán hình ảnh phù hợp để hạn chế tiếp xúc tia X ở những đối tượng này.
Kết quả và theo dõi sau khi chụp X-quang sọ
Kết quả X-quang sẽ được in ra một tấm phim. Phim được đọc bằng đèn đọc phim chuyên dụng.
Khi tia X đi qua cơ thể, các bộ phận như xương sẽ cản tia X nhiều hơn, kết quả hiển thị trên phim chụp có màu trắng.
Tùy thuộc vào kết quả phim chụp X-quang mà bác sĩ có thể yêu cầu làm các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ sọ não, hoặc theo dõi và tái khám định kỳ.
Xem thêm: