5 điều cần biết khi trẻ một tháng tuổi: ăn, ngủ, bỉm tã và các bệnh thường gặp

Qua tiệc đầy tháng, các bạn bắt đầu bước sang tháng thứ hai trong hành trình làm cha mẹ. Tại thời điểm này, bạn có thể cảm thấy mình giống như một chuyên gia quấn tã, có một lịch trình cho con ăn được sắp đặt và vận hành như một cỗ máy chính xác. Bạn biết ơn vì đã quen thuộc với những đêm đầu tiên mò mẫm với một đứa trẻ. Tất cả giờ chỉ còn là ký ức.

Hoặc (và rất có thể), bạn vẫn còn đang lóng ngóng với việc chăm sóc em bé của mình. Hoàn toàn ổn. Bạn đang làm một công việc tuyệt vời, ngay cả vào những thời điểm bạn có thể không cảm thấy thích thích thú kèm theo những lo lắng len lỏi.

Bạn có thể tự hỏi liệu em bé của bạn tăng trưởng và phát triển như thế nào trong những tháng đầu đời. Chúng ăn ngủ ra sao, tăng trưởng như thế nào, những vấn đề sức khỏe thường gặp là gì?

Tiếp tục đọc bài viết để có được những thông tin cần thiết giúp bạn hiểu và chăm sóc khi trẻ một tháng tuổi tốt hơn.

Thay đổi kích cỡ quần áo

Cùng với sự tăng trưởng, trẻ tăng cân nặng và chiều cao cần thay đổi kích cỡ quần áo cho phù hợp. Tốc độ tăng trưởng phụ thuộc cân nặng lúc mới sinh và việc trẻ sinh non hay sinh đủ tháng.

Cân nặng trung bình lúc một tháng tuổi của trẻ trai là 4,5 kg, trẻ gái là 4,2 kg. Chiều dài trung bình của trẻ trai là 54,6 cm, của trẻ gái là 53,6 cm.

Những con số trung bình kể trên không còn chính xác trong các trường hợp trẻ sinh ra thừa cân hoặc nhẹ cân hơn mức bình thường.

Trong những trường hợp đó, một cách hữu ích để đánh giá sự tiến bộ là theo dõi tốc độ tăng trưởng. Trong tháng đầu tiên trẻ có thể tăng 1,5 đến 2,5 cm, và tăng 150 đến 200g mỗi tuần.

Không cần cân đo hàng ngày, bác sĩ nhi khoa sẽ ghi lại tất cả các chỉ số này khi kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng tháng cho bé. Đừng để bác sĩ Google kiểm soát mức độ lo lắng của bạn, hãy lắng nghe và làm theo hướng dẫn của bác sĩ.

Thói quen ăn, ngủ

Bây giờ chuyển sang thói quen sinh hoạt bao gồm bữa ăn, giấc ngủ của trẻ 1 tháng tuổi. Trẻ bú mẹ có thể bú 8 lần một ngày mỗi cữ cách nhau 2 đến 3 giờ, trong khi trẻ bú sữa công thức có thể bú ít lần hơn cách nhau 4 giờ giữa các lần bú. Có thể biết trẻ đã no khi thấy các bé dừng bú hoặc ngủ thiếp đi.

Giấc ngủ là một trong những lưu ý khi trẻ ở giai đoạn sơ sinh. Tuy nhiên, ở giai đoạn này giấc ngủ của trẻ gắn liền với thói quen ăn uống. Với kích thước dạ dày nhỏ bé, trẻ sơ sinh không thể ăn quá nhiều một lúc. Tổng thời gian ngủ của trẻ sơ sinh khoảng 15 giờ mỗi ngày liên tục suốt ngày đêm. Việc đảm bảo giấc ngủ và chế độ dinh dưỡng tốt giúp trẻ phát triển khỏe mạnh ngay từ những ngày đầu tiên.

Tiến sĩ Esther Liu, trưởng khoa nhi, Trung tâm Y tế Đại học Maryland Baltimore Washington cho biết: “Ở giai đoạn này, em bé của bạn có thể bắt đầu có những giấc ngủ kéo dài”. Liu khuyên bạn nên tạo cho bé thói quen buồn ngủ và để các bé tập ngủ một mình trong nôi ở tư thế nằm ngửa.

Số lần thay tã

Là một phụ huynh mới, việc thay tã liên tục có thể khiến bạn băn khoăn, tự hỏi rằng cần dự trữ bao nhiêu tã trong nhà là đủ? Số lần thay mỗi ngày và những lưu ý cho công việc này là gì?

Tã ướt là một dấu hiệu tốt, lưu ý rằng trẻ bú sữa mẹ sẽ có phân trong tã nhiều hơn trẻ bú bình, khoảng 7 đến 10 lần mỗi ngày. Phân của trẻ bú mẹ loãng và có màu sáng hơn.

Trẻ bú sữa công thức số lần thay tã ít hơn khoảng một đến hai lần mỗi ngày. Bạn hãy làm quen với thói quen sinh hoạt của trẻ và coi chúng là bình thường. Miễn là chúng luôn thống nhất và không kèm theo bất kỳ dấu hiệu báo động nào. Một số trẻ sơ sinh đi ngoài hai ngày một lần và hoàn toàn khỏe mạnh.

Hãy chú ý vào những thay đổi thói quen thay tã. Ví dụ: nếu đứa trẻ 1 tháng tuổi thường thay tã vài giờ một lần đột nhiên số lần thay tã giảm đi, tã khô ráo nhiều giờ trong ngày hãy trao đổi với bác sĩ nhi để tìm nguyên nhân.

Các bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ

Cha mẹ cần có kiến thức về một số bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nguồn: kidshealthllc.comCha mẹ cần có kiến thức về một số bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nguồn: kidshealthllc.com

 Bạn luôn mong muốn con khỏe mạnh, phát triển tốt, nhưng việc gặp một số vấn đề sức khỏe trong giai đoạn trẻ làm quen thích nghi với cuộc sống bên ngoài là điều không thể tránh khỏi.

Một số vấn đề sức khỏe ngay cả những đứa trẻ khỏe mạnh cũng có thể gặp trong giai đoạn này bao gồm:

Hăm tã

Đầu tiên là chứng hăm tã. Gần như mọi em bé mặc tã đều có thể gặp vấn đề rắc rối này. Đó là tình trạng da vùng quấn tã bị kích ứng ở các mức độ khác nhau. Điều này không phụ thuộc vào kỹ năng quấn tã của bạn.

Với chứng hăm tã, cách tốt nhất là chú ý phòng ngừa ngay từ ban đầu. Thay tã cho trẻ thường xuyên hơn để trẻ không mặc tã ướt trong thời gian dài. Nếu bị hăm, hãy chấm kem chống hăm lên vùng da bị kích ứng sau mỗi lần thay. Thử thay đổi nhãn hiệu tã hoặc loại bột giặt bạn đang sử dụng nếu đó là nguyên nhân gây ra tình trạng khó chịu này. 

Hầu hết các vết hăm tã sẽ nhanh chóng mất đi nếu được phát hiện và vệ sinh sạch sẽ, vì vậy đừng hoảng sợ.

Cảm lạnh

Trong những tháng đầu đời hệ miễn dịch còn chưa cứng cáp, trẻ dễ bị nhiễm trùng đặc biệt là cảm lạnh nếu sinh ra vào mùa đông. Các triệu chứng thường gặp bao gồm chảy nước mũi, nghẹt mũi, ho, sốt.

Theo thống kê trung bình trong năm đầu tiên, trẻ bị khoảng bẩy lần cảm lạnh. Khi đó trẻ thường quấy khóc, hắt hơi hoặc bỏ bú.

Nếu sốt trên 38,3 ° C hoặc các triệu chứng của đợt cảm lạnh kéo dài trong 5 ngày, hãy trao đổi với bác sĩ nhi để trẻ được chăm sóc tốt nhất.

Viêm da tiết bã nhờn ở trẻ sơ sinh

Vào khoảng thời gian này, bạn có thể thấy các mảng da lớn trên tóc và da đầu bé đóng vảy đỏ hoặc nâu. Viêm da tiết bã nhờn là một tình trạng phổ biến, hoàn toàn vô hại.

Nó có thể dễ dàng điều trị bằng cách gội đầu cho trẻ bằng dầu gội, chải tóc khi tóc khô hoặc sử dụng các biện pháp khắc phục khác theo hướng dẫn của bác sĩ nhi khoa. Trong một số trường hợp nó tồn tại một vài tháng.

Nếu tình trạng viêm da không giải quyết được trong vòng vài tuần, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa. Mặc dù nó vô hại, nhưng việc trao đổi với bác sĩ sẽ giúp tâm trí của bạn thoải mái hơn.

Mụn sữa ở trẻ sơ sinh

Nếu bạn nghĩ rằng mụn trứng cá chỉ gặp ở tuổi thanh thiếu niên, bạn có thể thấy ngạc nhiên nếu em bé của bạn gặp phải tình trạng này thậm trí ngay sau sinh! Tương tự như mụn trứng cá ở thanh thiếu niên và người lớn, mụn sữa ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện dưới dạng mụn đỏ hoặc mụn nhọt nhỏ - đó có thể là phản ứng của cơ thể với sự thay đổi của nồng độ hormone.

Hãy yên tâm rằng bệnh chỉ là tạm thời. Bạn chỉ cần vệ sinh da bằng xà phòng loại dịu nhẹ, lau khô và tránh sử dụng các loại kem dưỡng ở những vùng da bị ảnh hưởng. Cẩn thận không chạm hoặc lấy nhân mụn  vì làm như vậy có thể gây nhiễm trùng.

Những cột mốc thay đổi 

Ngay từ khi được 1 tháng tuổi, em bé của bạn đã có thể tương tác với thế giới bên ngoài, học và làm theo những gì chúng thấy thích thú. Có một số cột mốc thú vị bạn có thể nhận ra. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng trẻ sơ sinh phát triển với tốc độ khác nhau - vì vậy nếu không thấy điều này ở con, bạn cũng đừng lo lắng.

Theo Tiến sĩ Taryn Hill, bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Johns Hopkins All ở St. Petersburg, Florida, một số thay đổi ở trẻ bạn có thể tìm kiếm trong giai đoạn này bao gồm:

Các chuyển động

Sau 1 tháng tuổi, con bạn có thể:

  • Ngẩng đầu lên từ từ ở tư thế nằm sấp
  • Di chuyển đầu từ bên này sang bên kia khi nằm
  • Đưa tay trong tầm mắt và miệng 
  • Khả năng cầm nắm phát triển
  • Duy trì phản xạ sơ sinh như Moro (phản xạ “giật mình”)

Khả năng quan sát

Về sự phát triển thị giác, em bé của bạn có thể:

  • Lấy nét ở khoảng cách 20 đến 30 cm với các cử động mắt bình thường không theo một hướng, thường nhìn chéo
  • Có thể tập trung ở điểm ngay trước mặt, giữa hai mắt
  • Thích các đồ vật có độ tương phản cao hoặc có hai màu đen trắng.
  • Có thể nhận dạng khuôn mặt, phân biệt lạ-quen.

Khả năng lắng nghe

Tai của con bạn rất hoạt động, ngay cả khi mới 1 tháng tuổi. Bé có thể:

  • Nhận ra một số âm thanh quen thuộc
  • Quay về phía âm thanh hoặc giọng nói quen thuộc

Liu nói “Ở độ tuổi này, trẻ sơ sinh cũng hứng thú với một số loại âm thanh, chẳng hạn như âm nhạc êm dịu và giọng nói trẻ con – những loại âm thanh có xu hướng chậm, du dương, lặp đi lặp lại nhiều hơn”.

Tiếp tục tương tác để khuyến khích bé đáp lại.

Tiến sĩ Daniel Gangian, bác sĩ nhi khoa tại Trung tâm Sức khỏe Providence Saint John ở Santa Monica, California cho biết: “Bé có phát tín hiệu bằng những âm thanh trong cổ họng hoặc những tiếng kêu”. “Giao tiếp là cách xây dựng và duy trì một mối quan hệ. Những âm thanh này là ngôn ngữ đầu tiên con sử dụng để kết nối yêu thương với cha mẹ.”

Khả năng ghi nhớ và phân biệt mùi vị

Ngay trong giai đoạn này, bé đã có thể nhận biết và ghi nhớ hương thơm ngọt ngào của sữa mẹ, cũng như yêu thích vị ngọt ngào.

Kết luận

Một tháng đầu bạn và bé làm quen với nhau đã trôi qua. Tiếp theo là giai đoạn mới với những điều bất ngờ và thú vị đang chờ đón.

Khuyến khích trẻ phát triển vận động bằng cách tập cho con nằm sấp. Hơn nữa, hãy tích cực tương tác với bé bằng cách nói chuyện, hát và chơi đùa để mang lại cho bé cảm giác an toàn, gắn bó, yêu thương.

Hãy chuẩn bị tinh thần khi gặp những vấn đề sức khỏe nhỏ của bé trong giai đoạn này. Đừng ngại liên hệ với bác sĩ nhi khoa nếu bạn cảm thấy lo lắng về bất cứ điều gì.

Hãy tận hưởng giai đoạn này, thay vì căng thẳng hoặc lo lắng.

Hill nói: “Và hãy nhớ rằng, đừng lo lắng về việc đạt được tất cả các mốc thay đổi vì sự phát triển của trẻ là đa dạng”. “Mỗi em bé là một cá thể duy nhất, phát triển theo cách riêng mỗi ngày.”

Xem thêm:

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!